Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Ana: Nâng cao nhận thức tham gia BHYT trong nhân dân

10:52, 28/02/2020

Để thay đổi nhận thức của người dân trong việc tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), ngoài việc thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, thời gian qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) huyện Krông Ana đã kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc về thủ tục khám chữa bệnh, thanh toán chi phí kịp thời…

Theo số liệu thống kê của BHXH huyện, tính đến cuối năm 2019, tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn đạt 91,8% dân số của huyện. Dù chưa đạt chỉ tiêu UBND tỉnh giao (92,63%) nhưng có thể nói, nhận thức của người dân trong việc tham gia BHYT đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó, có nhiều trường hợp cả gia đình gần 10 người làm nông, buôn bán nhỏ đều tham gia mua BHYT với số tiền lên đến hàng triệu đồng.

Đơn cử như hộ ông Lê Khắc Quyến (thị trấn Buôn Trấp) mỗi năm có khoảng 10 người tham gia BHYT, trong đợt mua bảo hiểm vào tháng 11-2019, gia đình ông mua 9 thẻ BHYT với tổng số tiền gần 4 triệu đồng cho các thành viên trong nhà; đó là chưa kể các cháu nhỏ đi học đều tham gia BHYT nhà trường. Được biết, với gia đình ông, đây là số tiền không nhỏ, tuy nhiên nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của việc tham gia BHYT nên ông đã chắt chiu các khoản chi tiêu khác để tham gia. Bởi theo ông, không ai có thể khẳng định mình luôn khỏe mạnh mà tai nạn, rủi ro, bệnh tật có thể đến bất cứ lúc nào. Nếu chỉ vì khó khăn mà không tham gia BHYT thì khi trong gia đình có người ốm đau, nằm viện sẽ phải lo chi phí chữa trị rất tốn kém.

Cán bộ BHXH huyện Krông Ana giải quyết các thủ tục về bảo hiểm cho người dân.
Cán bộ BHXH huyện Krông Ana giải quyết các thủ tục về bảo hiểm cho người dân.

Với nhiều người không bị tai nạn hay ốm đau phải nằm viện thì thẻ BHYT như một chiếc "bùa hộ mệnh" may mắn của họ. Còn với những người không may bị tai nạn, bệnh tật, nhất là bệnh hiểm nghèo thì đó lại là cứu cánh, sẻ chia gánh nặng về chi phí điều trị. Cụ thể như trường hợp bà Nguyễn Thị Hưng (xã Bình Hòa) năm 2019 phải nằm viện để mổ khớp gối với chi phí lên đến hàng chục triệu đồng. Nếu không có thẻ BHYT chi trả phần lớn số tiền điều trị thì với kinh tế của gia đình bà chẳng thể nào lo nổi. Được biết, trên địa bàn huyện cũng có nhiều bệnh nhân khám chữa bệnh hơn 50 lần/năm; cũng có bệnh nhân được chi trả với số tiền lên đến vài trăm triệu đồng, thậm chí gần 2 tỷ đồng.

Cũng như gia đình ông Quyến, bà Hưng, hiện nay, nhiều hộ dân ở huyện Krông Ana đã nhận thức được tầm quan trọng của việc tham gia BHYT. Có được kết quả này là từ những nỗ lực, kiên trì tuyên truyền về chính sách BHYT của BHXH huyện, các ban, ngành, đoàn thể địa phương; đặc biệt phải kể đến vai trò của những người trực tiếp làm công tác thu BHYT ở từng địa phương. Tiêu biểu trong công tác này là bà Bùi Thị Nhuần (xã Bình Hòa), với kinh nghiệm gần 20 năm làm công tác thu bảo hiểm, bà không thể nhớ hết số lần đi tuyên truyền cũng như số người được vận động đã tham gia BHYT. Chỉ biết, trung bình mỗi tháng bà thực hiện được khoảng 70 - 80 thẻ BHYT, người tham gia không chỉ trong xã mà cả các xã lân cận và thị trấn Buôn Trấp. Theo bà Nhuần, những năm gần đây, người tham gia BHYT được phục vụ rất tận tình, chu đáo; họ không cần tốn thời gian, công sức đi lại để mua hay tiếp tục tham gia BHYT khi hết hạn mà tất cả các việc này đã có đại lý thu đến tận nhà để thực hiện…

Bà Bùi Thị Nhuần (ngoài cùng bên trái) đến giao nộp thông tin khách hàng tại BHXH huyện.
Bà Bùi Thị Nhuần (ngoài cùng bên trái) đến giao nộp thông tin khách hàng tại BHXH huyện.

Có thể nói, nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giải thích, vận động nên nhận thức của người dân về chính sách BHYT ngày càng thay đổi theo chiều hướng tích cực, ngày càng có nhiều người tham gia. Bên cạnh đó, các cơ sở khám, chữa bệnh đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh nhằm đảm bảo quyền lợi cho người có thẻ BHYT bằng việc tiếp tục củng cố và hoàn thiện hệ thống các cơ sở khám, chữa bệnh từ tuyến cơ sở đến tuyến tỉnh, đảm bảo các cơ sở y tế đủ cơ sở vật chất và trang thiết bị cơ bản phục vụ khám, chữa bệnh BHYT ban đầu. Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Giám đốc BHXH huyện Krông Ana cho hay, BHXH huyện đã bố trí nhân viên giám định tại bệnh viên tuyến huyện để kịp thời giải quyết, xử lý các trường hợp sai sót thông tin khi đi khám, chữa bệnh. Mặc khác, việc thực hiện thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT kịp thời đúng quy định, bảo đảm quyền lợi cho người tham gia cũng đã tạo được sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực từ người dân.

Theo thống kê của BHXH huyện Krông Ana, trong năm 2019, tổng số lượt khám chữa bệnh BHYT trên địa bàn huyện là hơn 103.000 lượt với tổng chi phí trên 23,6 tỷ đồng. Trong đó, bệnh nhân cùng chi trả 921 triệu đồng, Quỹ BHYT thanh toán gần 22,7 tỷ đồng.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.