Multimedia Đọc Báo in

Phòng, chống dịch Covid - 19: Hiệu quả từ sự chủ động, quyết liệt, sáng tạo

09:25, 27/02/2020

Thời gian qua, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (Covid-19) hoành hành đã khiến nhiều nước trên thế giới, nhất là Trung Quốc phải lao đao. Trong khi đó, đến thời điểm này có thể nói Việt Nam đã khá thành công trong việc ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh nguy hiểm này.

Điều dễ nhận thấy nhất trong đợt dịch bệnh này là sự chủ động, quyết liệt, sáng tạo của các cấp, các ngành khi tiếp cận vấn đề. Sớm nhận diện mối nguy từ dịch Covid-19 có thể gây ra, ngay từ những ngày đầu khi dịch bệnh chưa bùng phát mạnh ra khỏi phạm vi Trung Quốc, Chính phủ Việt Nam đã có những chỉ đạo hết sức quyết liệt.

Khi mới chỉ có 6 bệnh nhân được xác định nhiễm Covid-19 thì lần đầu tiên kể từ năm 2007 (Luật phòng chống các bệnh truyền nhiễm ban hành và có hiệu lực), Thủ tướng Chính phủ đã quyết định công bố dịch bệnh trên quy mô cả nước. Điều đó đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và mỗi người dân vào cuộc chống lại dịch bệnh. Và với một dịch bệnh mới xuất hiện, chưa rõ tác nhân gây bệnh, lây truyền nhanh, phát tán rộng, tỉ lệ tử vong cao như dịch Covid-19 gây ra thì sự chủ động này đã góp phần không nhỏ trong việc hạn chế lây lan.

Cùng với sự chủ động, quyết liệt của các cấp chính quyền, các y bác sĩ, các nhà khoa học của Việt Nam cũng đã phát huy vai trò quan trọng của mình trong việc khống chế dịch bệnh. Đến thời điểm này, 16/16 ca nhiễm Covid-19 phát hiện tại Việt Nam đã được chữa khỏi cho thấy liệu trình hiệu quả mà đội ngũ y bác sĩ Việt Nam áp dụng để chữa trị bệnh dịch này. Trong khi đó, Việt Nam cũng là một trong bốn quốc gia đầu tiên phân lập thành công vi rút Covid-19, tạo điều kiện cho việc xét nghiệm nhanh các trường hợp nhiễm và nghi nhiễm dịch bệnh.

 

 Khu vực cách ly tại cửa khẩu. Ảnh: Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên  
Khu vực cách ly tại cửa khẩu Lệ Thanh (tỉnh Gia Lai). (Ảnh do Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên cung cấp)

Sự chủ động của Chính phủ trong phòng chống dịch được thể hiện rõ qua việc minh bạch thông tin của các cơ quan chuyên môn và các cấp chính quyền. Đặc điểm, diễn biến của dịch bệnh; số lượng người nhiễm, nghi nhiễm và quá trình chữa trị... thường xuyên được cập nhật trên website của Bộ Y tế. Cùng với đó, ngành Y tế cũng thường xuyên tổ chức họp báo ngay khi có những diễn biến mới của dịch bệnh để cung cấp thông tin đầy đủ, chính thống đến các cơ quan báo chí. Chưa khi nào mật độ họp báo của ngành Y tế diễn ra dày đặc như thế trước một đợt dịch bệnh.

Ngoài ra, các địa phương cũng chủ động trong việc công khai thông tin đến người dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Chính sự chủ động công khai thông tin của các cấp, các ngành đã giúp người dân nắm, hiểu rõ về dịch bệnh để từ đó cùng chung tay với cơ quan chức năng trong việc phòng chống dịch bệnh. Điều này đã mang lại hiệu quả rõ nét trong phòng chống dịch Covid-19. Bởi sự lây truyền của vi rút này chủ yếu thông qua sinh hoạt của cộng đồng dân cư và khi cộng đồng dân cư ý thức tốt trong sinh hoạt đã hạn chế rất lớn nguồn lây nhiễm. Chưa kể, chính sự minh bạch thông tin của cơ quan chức năng còn giúp người dân không bị hoang mang, hoảng loạn, tạo điều kiện cho cơ quan chức năng tổ chức tốt hơn việc ứng phó với dịch bệnh.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.