Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng nông thôn mới ở thị xã Buôn Hồ: Bức tranh sáng trong thực hiện tiêu chí môi trường

08:59, 11/02/2020

Tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm được xác định là tiêu chí khó thực hiện đối với nhiều địa phương, nhất là vùng tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số.

Thế nhưng, với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và thay đổi nhận thức của người dân, đến nay tất cả các xã trên địa bàn thị xã Buôn Hồ đều đã hoàn thành tiêu chí này trong chương trình xây dựng nông thôn mới.

Xã Ea Siên mặc dù còn nhiều khó khăn, đời sống người dân không mấy dư dả nhưng ai cũng ý thức được việc bảo vệ môi trường sống. Những năm gần đây, trên địa bàn xã không còn xuất hiện tình trạng người dân vứt rác thải bừa bãi ra môi trường. Thay vào đó, ngoài những hộ dân sinh sống trên những trục đường chính có xe thu gom rác đi qua đều đăng ký dịch vụ thu gom thì các hộ dân ở các nơi khác đều tự thu gom và xử lý bằng cách chôn lấp và đốt.

Một tuyến đường ở thôn 3, xã Ea Siên được người dân trồng hoa hai bên .
Một tuyến đường ở thôn 3, xã Ea Siên được người dân trồng hoa hai bên .

Đơn cử như ở thôn 2B (xã Ea Siên), khi địa phương hợp đồng với Hợp tác xã Nông nghiệp Ea Siên thực hiện việc thu gom và vận chuyển rác thải đưa đi xử lý, người dân trong thôn đều đồng tình hưởng ứng với gần như 100% hộ dân tham gia. Chị Ngô Thị Hà, người dân thôn chia sẻ: "Trước đây, khi chưa có dịch vụ thu gom rác thì mọi người “tiện đâu vứt đó” khiến môi trường rất ô nhiễm. Tuy nhiên, hơn 1 năm nay, khi có đơn vị thu gom gia đình tôi rất mừng và tham gia liền bởi số tiền phải đóng hằng tháng cũng chẳng đáng bao nhiêu (15.000 đồng/tháng) nhưng rác thải sinh hoạt của gia đình được thu gom và đưa đi xử lý, môi trường sạch đẹp".

Theo ông Nông Văn Lâm, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Siên, đầu năm 2019, xã Ea Siên đã ký hợp đồng với HTX Nông nghiệp Ea Siên thực hiện việc thu gom và vận chuyển rác thải ở 6/11 thôn, buôn để đưa đi xử lý; trong đó, có hơn một nửa số hộ dân toàn xã tham gia (657 hộ). Thời điểm đó, địa phương cũng được hỗ trợ 60 triệu đồng để mua xe chở rác từ nguồn ngân sách tỉnh. Điều đáng mừng nhất là phong trào thu gom rác thải rất được người dân đồng tình và hưởng ứng. Cùng với đó, nhận thức của bà con cũng thay đổi rất lớn không chỉ trong việc xử lý rác thải mà cả việc chú trọng bảo vệ môi trường trong chăn nuôi gia súc, gia cầm có chuồng trại và xử lý chất thải thông qua việc xây dựng hệ thống hầm biogas; tham gia trồng hoa hai bên các tuyến đường để tạo cảnh quan xanh – sạch – đẹp…

Người dân xã Ea Siên xây dựng chuồng trại chăn nuôi để hạn chế tình trạng gây ô nhiễm môi trường.
Người dân xã Ea Siên xây dựng chuồng trại chăn nuôi để hạn chế tình trạng gây ô nhiễm môi trường.
 

“Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, để thực hiện tiêu chí số 17, địa phương đã tập trung nhiều giải pháp và mỗi địa phương đã cụ thể hóa bằng nhiều cách làm hay, thiết thực. Nhờ đó, đến nay các xã đều đã hoàn thành tiêu chí này; đặc biệt, ý thức bảo vệ môi trường của người dân đã thay đổi, không còn xảy ra tình trạng vứt rác bừa bãi ra ao, hồ, đường làng, ngõ xóm gây ảnh hưởng mỹ quan môi trường".

 

 
Bà Nguyễn Thị Trúc, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Buôn Hồ

Đối với xã Ea Drông, dù chưa về đích nông thôn mới nhưng địa phương đã hoàn thành tiêu chí số 17 – một trong những chỉ tiêu khó đạt của hầu hết các địa phương. Có được kết quả này phải kể đến cách làm của địa phương khi đã kêu gọi xã hội hóa việc thu gom và xử lý rác thải từ nhiều năm nay. Theo đó, UBND xã đã hợp đồng với một hộ dân trên địa bàn xã để thực hiện việc thu gom rác thải trên tất cả 16 thôn, buôn.

Cụ thể, mỗi hộ dân sẽ đóng góp 5.000 đồng/tháng để trả tiền cho người đi thu gom rác (một tuần đi thu gom 3 lần với mức lương được trả khoảng 5 triệu đồng/tháng), cùng với đó, mỗi hộ tự thu gom rác rồi mang đến điểm tập kết (đã được quy định ở từng thôn, buôn) để người phụ trách đến đưa đi xử lý. Ngoài chi phí trả cho người thu gom rác hằng tháng, mỗi năm địa phương hỗ trợ thêm cho người này 12 triệu đồng để thực hiện việc thu gom rác thải ở các khu vực công cộng.

Theo chính quyền địa phương, hiện nay đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã không còn tình trạng chăn nuôi gia súc, gia cầm nhốt dưới gầm sàn nhà hay thả rông mà đã xây dựng chuồng trại riêng biệt, cách xa nhà ở. Đặc biệt, bà con đã biết xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, sử dụng làn nhựa khi đi chợ, trồng hoa hai bên các tuyến đường…

Để góp phần bảo vệ môi trường sống cho người dân, các cấp hội, đoàn thể trên địa bàn thị xã cũng đã chung tay, góp sức giúp các địa phương thực hiện tiêu chí số 17 thông qua các cách làm cụ thể. Trong đó, nổi bật như việc Hội LHPN thị xã đã xây dựng và nhân rộng mô hình "Buôn tôi xanh - sạch - đẹp" tại xã Ea Drông thông qua việc trồng hơn 850 cây sao đen với tổng trị giá trên 77,5 triệu đồng; hoàn thành 8 tuyến đường hoa dài 3.750 m, xây 56 nhà tiêu hợp vệ sinh, trao tặng 540 chiếc làn đi chợ, 40 thùng rác, 295 túi thân thiện môi trường; hỗ trợ xây dựng 5 hầm biogas cho các thành viên tổ hợp tác nuôi heo sạch... Những việc làm này không chỉ hưởng ứng phong trào bảo vệ môi trường sống mà trên hết nhằm thay đổi nhận thức, hành động của người dân để cùng chung tay hạn chế rác thải ra môi trường.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc