Multimedia Đọc Báo in

Chuyện trông con mùa dịch

08:51, 25/03/2020
Từ sau Tết Nguyên Đán, học sinh trên địa bàn tỉnh được nghỉ kéo dài vì dịch Covid-19 bùng phát khiến lịch sinh hoạt của nhiều gia đình bị xáo trộn. Trong đó việc chăm con, trông con là bài toán nan giải nhất đối với các bậc phụ huynh.

Đau đầu tìm người trông trẻ

Ngay khi nhận được thông báo con sẽ được nghỉ học dài ngày vì dịch Covid-19 bùng phát, nhiều phụ huynh vừa mừng vừa lo. Mừng vì các con được nghỉ học để đảm bảo an toàn cho sức khoẻ, nhưng lại lo vì cuộc sống sẽ bị xáo trộn khi không có người trông con. Gia đình chị Lê Thị Hoa (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) có hai bé gái 4 tuổi và 2 tuổi. Vì công việc của vợ chồng anh chị rất bận rộn nên bình thường các cháu được gửi ở trường mầm non, tối mới đón về. Nay vì dịch Covid-19, học sinh được nghỉ khiến anh chị không biết xoay xở thế nào. Chị Hoa tâm sự, ông bà vốn ở xa lại bận rộn nương rẫy, lúc đầu chị phải đưa con đến chỗ làm nhưng kì nghỉ kéo dài nên chị đành nhờ mấy đứa cháu được nghỉ học ở quê lên trông giùm, tuy nhiên cũng chỉ được khoảng vài tuần. Không còn cách nào khác, chị đành gửi con về quê nhờ ông bà trông giúp.

Không chỉ riêng chị Hoa mà nhiều phụ huynh hiện nay đang gặp khó khăn trong việc gửi con để đi làm. Đối với các bé lớn đã tự ý thức được hành động của mình còn đỡ, nhưng đối với các cháu nhỏ, nhất là bậc mầm non thì đây hẳn không phải là chuyện dễ dàng. Đa số các phụ huynh chọn cách gửi con cho ông bà nội ngoại trông. Đó là đối với những gia đình may mắn còn ông bà khỏe mạnh, còn đối với những gia đình không còn ông bà hoặc ông bà đau yếu không thể trông cháu thì thực sự rơi vào cảnh khó khăn. Nhiều đôi vợ chồng phải thay nhau nghỉ làm để ở nhà chăm con, một số phụ huynh lại thuê người trông con hoặc lập nhóm thay phiên nhau nghỉ để làm “bảo mẫu” cho các cháu, nhiều người vì công việc không ổn định nên quyết định nghỉ hẳn ở nhà chăm sóc con để vợ hoặc chồng đi làm…

Đa số phụ huynh chọn cách gửi con cho ông bà nội ngoại khi con được nghỉ học.
Đa số phụ huynh chọn cách gửi con cho ông bà nội ngoại khi con được nghỉ học.

Trong khi các gia đình đang đau đầu tìm người trông con thì gia đình chị Hoàng Thị Trang (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) lại có phần “may mắn” hơn khi chị Trang là giáo viên mầm non của một trường tư thục, thời điểm này, học sinh không đến trường nên chị được nghỉ ở nhà chăm con. Tuy vậy, nghỉ làm không có thu nhập khiến kinh tế gia đình khó khăn, chi tiêu trở nên eo hẹp hơn trước. Dẫu sao chị cũng cảm thấy an tâm khi có thể tự tay chăm sóc đứa con nhỏ của mình trong lúc dịch bệnh đang bùng phát.

Cố gắng tạo môi trường an toàn cho trẻ

Giữa lúc dịch bệnh trên cả nước đang diễn biến phức tạp, hầu hết các bậc phụ huynh đều cố gắng xoay xở khắc phục khó khăn, vì mục tiêu chung là khống chế sự lây lan của dịch bệnh, đặt sự an toàn của trẻ lên hàng đầu. Bà Thái Thị Hải (xã Cư Dliê Mnông, huyện Cư M’gar) hiện đang trông hai cháu ngoại, một bé trai hai tuổi rưỡi và một bé gái ba tuổi. Cùng với việc đảm bảo vệ sinh môi trường sống, để các cháu không lạm dụng các thiết bị điện tử, bà đã cố gắng tổ chức các trò chơi dân gian ở trong nhà hoặc dạy màu sắc, tô màu, xếp hình khối, dạy bài hát… cho các cháu.

Bà Hải cho biết, ở với hai đứa nhỏ bà bận rộn cả ngày, bên cạnh tạo trò chơi, nấu ăn đầy đủ chất cho các cháu, bà vừa phải luôn luôn canh chừng chúng vì đây là lứa tuổi hiếu động, nghịch ngợm, hay tranh giành đồ chơi và đánh nhau. Cũng theo bà, ở đây giờ có rất đông các cháu nhỏ về “tránh dịch”, nhà nào cũng có một, hai đứa trẻ con. Mỗi sáng, mọi người vẫn thường được nghe loa phát thanh thông tin về tình hình của dịch Covid1-19, qua đó mọi người cũng biết nâng cao ý thức phòng bệnh, cho các cháu dùng riêng cốc, bát, đũa… thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh đồ chơi sạch sẽ. Mọi người chỉ mong dịch bệnh mau chóng qua đi để có thể sớm trở lại nhịp sống bình thường.

Nếu các cháu nhỏ luôn phải có người canh chừng thì đối với những cháu lớn hơn, nhiều phụ huynh lựa chọn phương án giao bài tập cho con trong những ngày nghỉ. Chị Nguyễn Thị Nhung (xã Dliê Ya, huyện Krông Năng) chia sẻ, chị có hai cháu trai 9 tuổi và 6 tuổi. Vì anh lớn đã trông được em nên mỗi ngày, trước khi đi làm chị giao bài tập cho các con, đến khi đi làm về sẽ đánh giá kết quả và có phần thưởng nếu các con làm tốt. Bên cạnh đó chị luôn dạy các con cách vệ sinh tay chân sạch sẽ, hạn chế cho con đi ra ngoài và tiếp xúc với người lạ. Chị mua thêm chiếc xe đạp để ngoài giờ học các con có thể ra sân vận động, tránh cảm giác nhàm chán do nghỉ học quá lâu. Nhờ vậy, các con của chị cảm hấy rất hào hứng, nghe lời bố mẹ.

Cùng với đó, nhiều phụ huynh có điều kiện cũng mua thêm các loại đồ chơi hoặc sách, truyện các loại về để con có thể thỏa sức khám phá, rồi cùng chơi và đọc sách cho con nghe mỗi tối, dành nhiều thời gian cho con qua đó khiến tình cảm gia đình ngày càng khăng khít hơn.

Huyền Diệu


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.