Multimedia Đọc Báo in

Cổ tích dưới chân đèo Ea Na (Kỳ 2)

08:36, 02/03/2020

Kỳ 2: Làng phong hồi sinh

Cộng đồng dân cư buôn Tuôr A – thường được gọi là làng phong - thuộc xã Dray Sáp bao bọc, ôm trọn Khoa điều trị phong Ea Na từ hàng chục năm nay được biết đến là nơi cư ngụ, sinh sống của hầu hết bệnh nhân phong và người nhà của họ. Ngày nay, làng phong đã thay da đổi thịt, cuộc sống người dân từng bước được nâng cao, trẻ em được đi học đến nơi đến chốn.

Khởi sắc buôn Tuôr A

Buôn Tuôr A có 186 hộ, với 818 nhân khẩu, trong đó có khoảng hơn 100 hộ là bệnh nhân và người nhà sinh sống. Do vậy, từ khi Bệnh viện Phong Ea Na thành lập (nay đổi tên thành Khoa điều trị phong Ea Na - Trung tâm da liễu Đắk Lắk), khu vực này gần như sống biệt lập với xã hội bên ngoài.

Theo nhiều người cao tuổi trong buôn kể, trước đây hàng hóa của người dân đều tự cung tự cấp, ngược lại sản phẩm do bà con trong buôn làm ra cũng không ai mua… chỉ vì định kiến bệnh phong là bệnh lây truyền, cần phải xa lánh. Nhiều người lớn cấm kỵ con cái không được qua lại, vui chơi với những đứa trẻ làng phong.

Ngược lại, vì tự ti, nhiều phụ huynh ở làng phong cũng không cho con em mình ra khỏi làng để tránh dị nghị vì mang thân phận là con, cháu của bệnh nhân phong. Cứ thế, cuộc sống “nội bất xuất, ngoại bất nhập” tồn tại hàng chục năm tại buôn làng này. Về sau, khi những kỳ thị về bệnh phong dần được xóa bỏ, người dân trong buôn cũng dần dần qua lại với bên ngoài, cuộc sống bà con làng phong thay đổi từng ngày. Nhiều gia đình có nhà cửa khang trang, mua sắm phương tiện đắt tiền để phục vụ sinh hoạt. Trong buôn có nhiều hộ sản xuất kinh doanh giỏi, thu nhập bình quân mỗi năm từ 100 - 200 triệu đồng.

Điển hình như hộ ông Y Suen Byă, hộ Y Phon Niê, Y Bel Êban, Đỗ Văn Vui... với các mô hình trồng lúa nước, cà phê và điều. Theo thống kê, toàn buôn hiện có trên 20 hộ có điều kiện kinh tế từ khá giả trở lên, chiếm hơn 22% tổng số hộ trong buôn. 

Em H’Bok Hđơk mong muốn có cơ hội được cống hiến, làm việc tại Khoa Điều trị phong Ea Na.
Em H’Bok Hđơk mong muốn có cơ hội được cống hiến, làm việc tại Khoa Điều trị phong Ea Na.

Chi bộ buôn Tuôr A có 15 đảng viên, trong đó hầu hết là đảng viên ở độ tuổi dưới 35 nên mọi hoạt động, phong trào đều được thực hiện theo đúng quy định cấp trên giao, bắt nhịp nhanh với các thôn, buôn khác trên địa bàn xã.

Bà H’Un Hđơk, Bí thư Chi bộ buôn Tuôr A phấn khởi cho hay, đội ngũ đảng viên trẻ trong buôn đã và đang góp sức mình vào việc đưa cộng đồng làng phong thay đổi. Trong mọi phong trào, đảng viên đều là người đi trước, nêu gương nên bà con trong buôn đều đồng tình hưởng ứng. Cùng với đó, được sự quan tâm của chính quyền địa phương các cấp và sự chung sức của cộng đồng dân cư, đến nay có khoảng 80% trục đường giao thông trong buôn được bê tông và nhựa hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đi lại, sản xuất và vận chuyển hàng hóa, nông sản.

Đáng ghi nhận, những năm gần đây tỷ lệ hộ nghèo ở buôn Tuôr A luôn giảm, tính đến cuối năm 2019, toàn buôn chỉ còn 16 hộ nghèo, so với năm 2018 giảm 3 hộ. Dẫu vẫn còn đó những khó khăn trước mắt, nhưng với nền tảng đạt được trong những năm vừa qua, cộng đồng buôn Tuôr A luôn tin tưởng sự khởi sắc, thay đổi của buôn làng trong thời gian tới.

Những chồi xanh tương lai

Cũng như bao đứa trẻ ở vùng nông thôn khác, ngoài những buổi đến trường, các em nhỏ ở khu làng phong còn theo cha mẹ phụ việc nương rẫy. Mỗi em mỗi hoàn cảnh, trong đó đa số trẻ em khu vực Khoa điều trị phong Ea Na học hết cấp 2, cấp 3 rồi lập gia đình. Bên cạnh đó, một số em ý thức được việc trang bị kiến thức là con đường đem lại thành công sau này, tiếp tục học lên, nuôi ước mơ thay đổi cuộc sống.

Đó là câu chuyện của em H’Wel Niê (SN 1999), hiện là sinh viên năm thứ 3, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh. Sinh ra và lớn lên tại buôn Tuôr A, từ nhỏ em tiếp xúc với nhiều bệnh nhân phong, trong đó có ông bà nội cũng là nạn nhân của căn bệnh này. Là con thứ hai trong gia đình thuần nông, H’Wel luôn tự động viên bản thân phải thật cố gắng để đến với giảng đường đại học. Suốt 12 năm liền, ngoài những kiến thức được thầy cô dạy trên lớp, vào những lúc rảnh em tranh thủ đạp xe đến nhà bạn học nhóm.

May mắn với em, khi học tại Trường THPT Phạm Văn Đồng (huyện Krông Ana), em được cô giáo chủ nhiệm giúp đỡ nhiều mặt, trong đó miễn phí hoàn toàn tiền phụ đạo, đưa đón em ngoài giờ học chính. Đó chính là động lực thôi thúc H’Wel phải cố gắng hơn nữa.

Với tổng 26 điểm, H’Wel chính thức đỗ vào Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh. Cả 3 năm nay, ngoài những buổi đến giảng đường, em tranh thủ thời gian rảnh làm thêm để có tiền mua sách vở, đóng tiền học. H’Wel tâm sự, từng thấy nhiều bạn bè cùng trang lứa bỏ học, lấy chồng sớm, nhiều người vì gánh nặng bệnh tật nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn… em luôn bị ám ảnh. Cũng chính điều đó thôi thúc em phải cố gắng học thật giỏi để có kiến thức trang bị cho bản thân sau này ra đời lập thân, lập nghiệp, với mong muốn đóng góp sức mình vào việc xây dựng buôn làng.

Em H’Wel Niê tranh thủ học online trong thời gian nghỉ tại nhà.
Em H’Wel Niê tranh thủ học online trong thời gian nghỉ tại nhà.

Tương tự là trường hợp em H’Bok Hđơk, sinh viên Khoa Y Dược (Trường Đại học Tây Nguyên). Em có ông ngoại là ông Niê Y Dju – trước đây là y tá tại Bệnh viện Phong Ea Na. Từ nhỏ em hay được ông đưa đến khu điều trị nội trú của người bệnh. Từng tận mắt chứng kiến những hình ảnh các ngón tay, ngón chân của bệnh nhân phong queo quắp khi theo ngoại vào thăm khám, H’Bok chỉ ao ước sau này được làm bác sĩ giỏi để có thể cứu chữa, chăm sóc họ như ông của mình. Lớn lên, dù bao bạn bè cùng trang lứa nghỉ học giữa chừng để lấy vợ, lấy chồng nhưng H’Bok vẫn theo đuổi đam mê. Năm học 2013 – 2014 thi đại học thiếu điểm, em đi học tại Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương Nha Trang. Sau một năm cố gắng, em đủ điểm để được xét vào ngành Y Đa khoa thuộc Trường Đại học Tây Nguyên. H’Bok Hđơk bộc bạch, hơn 6 năm trên giảng đường đại học, em ước mơ được về làm việc tại Khoa điều trị phong – nơi đó có những ông, bà hằng ngày chống chọi với di chứng bệnh phong để lại.

Bác sĩ Trần Sỹ Tố, Trưởng Khoa điều trị Phong Ea Na cho biết, từ trước tới nay có khoảng 300 bệnh nhân phong đã điều trị và sinh sống trên mảnh đất buôn Tuôr A. Điều may mắn nhất đó là con, cháu của các bệnh nhân không có ai bị bệnh, tất cả họ đều khỏe mạnh, bình thường, nhiều cháu học hành thành đạt, có việc làm ổn định.

(Còn nữa)

Kỳ 3: Thầm lặng những cống hiếnvới Trại phong

 

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.