Khi "nội tướng" làm kinh tế gia đình
Dù gặp không ít khó khăn trên con đường khởi nghiệp, song nhiều phụ nữ ở huyện Krông Búk vẫn nuôi dưỡng khát vọng làm giàu, tự khẳng định mình.
Cũng như nhiều gia đình ở địa phương, chị Nguyễn Thị Thảo (ở thôn Nam Trung, xã Cư Kbô) chọn cây cà phê để phát triển kinh tế gia đình. Loại cây trồng này chi phí đầu tư cao, tốn nhiều công chăm sóc, giá cả lại bấp bênh. Năm 2015, chị Thảo "liều" trồng thử nghiệm cam, quýt xen canh cà phê với số lượng ít. Sau 2 năm, nhận thấy cây cam, quýt đem lại hiệu quả kinh tế cao, đầu ra ổn định nên chị quyết định phá bỏ 1,7 ha cà phê già cỗi để trồng các loại cây ăn trái như: sầu riêng Dona, bưởi da xanh, nhãn Hưng Yên, na Thái Lan, cam, quýt.
Vườn cam của chị Nguyễn Thị Thảo (thôn Nam Trung, xã Cư Kbô). |
Để các loại cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế, chị Thảo đã tìm tòi, nghiên cứu kỹ thuật chăm sóc qua sách, báo, đồng thời học hỏi kinh nghiệm của những người có thâm niên trong nghề. Trong thời gian kiến thiết cơ bản vườn cây, chị Thảo đã trồng xen ngô, đậu, nghệ, khoai lang... để tăng thêm thu nhập. Năm 2019, sau khi trừ chi phí, gia đình chị Thảo thu lãi gần 400 triệu đồng. Thu nhập của gia đình chị Thảo sẽ tăng cao khi 300 cây sầu riêng Dona và 200 cây bưởi da xanh bước vào chu kỳ kinh doanh. “Là người đầu tiên đưa cây có múi về trồng ở huyện nên lúc mới trồng tôi rất lo lắng không biết khí hậu ở đây có thích hợp cho cây phát triển không. Nhưng sau một vài năm trồng, thấy cây sinh trưởng tốt, cho năng suất cao. Tôi hy vọng có nhiều hộ dân ở địa phương cùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng để kinh tế gia đình phát triển ổn định, sớm tạo ra vùng sản xuất chuyên canh" - chị Thảo cho hay.
“Mô hình kinh tế đa cây không chỉ giúp gia đình chị Thảo, chị Thắm có nguồn thu nhập ổn định mà còn giúp thay đổi cách nghĩ, cách làm, mở ra hướng phát triển kinh tế cho nhiều phụ nữ trong huyện, qua đó góp phần tích cực vào chương trình giảm nghèo của địa phương”.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Krông Búk Lưu Thị Hòa
|
Tương tự, trước đây chị Nguyễn Thị Thắm (ở buôn Drây Huê, xã Cư Pơng) chỉ trồng độc canh cây cà phê nên nguồn thu không đáng kể. Đang loay hoay chưa biết chuyển đổi sang trồng cây gì thì chị Thắm được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Cư Pơng tạo điệu kiện cho tham gia một số lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh và tham quan thực tế mô hình kinh tế hiệu quả trên địa bàn huyện. Năm 2016, chị Thắm quyết định trồng thử nghiệm xen canh 30 gốc chuối lùn Thái vào 1 ha cà phê. Thấy cây chuối lùn Thái phát triển tốt, kỹ thuật chăm sóc đơn giản, ít tốn kém, giá cả lại ổn định nên chị nhân rộng lên 300 gốc chuối. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, toàn bộ diện tích chuối trồng xen đều cho buồng to, trái ngọt. Trung bình mỗi năm gia đình chị Thắm thu hoạch hơn 20 tấn chuối, giá bán bình quân 4.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí chị thu về gần 70 triệu đồng.
Mô hình chuối lùn Thái của chị Nguyễn Thị Thắm ở buôn Drây Huê, xã Cư Pơng. |
Bên cạnh đó, chị Thắm còn trồng xen 30 cây sầu riêng, 30 cây bơ và 50 cây chanh không hạt trong vườn cà phê. Năm 2019, tổng thu nhập từ mô hình đa cây của gia đình chị đạt hơn 200 triệu đồng. Chị Thắm chia sẻ: “Cách đây 3 năm, gia đình tôi là một trong những hộ nghèo của xã. Nhờ mô hình kinh tế xen cây này gia đình tôi đã thoát nghèo, con cái có điều kiện học hành. Sắp tới tôi tiếp tục đầu tư trồng thêm 200 gốc chuối và 50 cây mít Thái”.
Như Quỳnh
Ý kiến bạn đọc