Multimedia Đọc Báo in

"Khiêu vũ - Hát cho nhau nghe" - Sân chơi bổ ích của người trung niên

08:49, 25/03/2020
Krông Bông là huyện vùng xa còn nhiều khó khăn, các điểm vui chơi giải trí dành cho mọi người ở mọi lứa tuổi còn rất hạn chế. Thời gian qua, nhiều quán cà phê khiêu vũ – hát cho nhau nghe mở ra trên địa bàn huyện đã tạo sân chơi bổ ích cho nhiều người, nhất là những người ở tuổi trung niên.

Nằm ở tổ dân phố 5 (thị trấn Krông Kmar), vào mỗi tối thứ tư, thứ bảy hằng tuần, Hội quán Cà phê BOSS lại đông vui hẳn lên. Khách đến đây không chỉ để nhâm nhi tách cà phê nóng, chuyện trò sau một ngày lao động mệt nhọc mà trong cuộc tao ngộ dưới ánh đèn màu này, họ cùng hát cho nhau nghe những bài hát yêu thích nhất, những tình khúc mang đậm chất “cây nhà lá vườn”…

Dù chỉ là sân chơi âm nhạc không chuyên nhưng Hội quán tổ chức rất bài bản, từ danh sách đăng ký, dàn nhạc, âm thanh, ánh sáng cho đến người dẫn chương trình. Những “ca sĩ nghiệp dư” mỗi khi cất lên giọng hát đều “cháy” hết mình với đam mê ca hát, say sưa với những ca từ sâu lắng của những ca khúc Việt Nam. 

Người yêu nhạc tham gia tiết mục ở Hội quán BOSS.
Người yêu nhạc tham gia tiết mục ở Hội quán BOSS.

Thời gian gần đây, định kỳ hằng tháng Hội quán BOSS còn tổ chức những đêm nhạc với chủ đề tôn vinh các nhạc sĩ nổi tiếng như: đêm nhạc Phạm Duy, đêm nhạc Từ Công Phụng – Ngô Thụy Miên, đêm nhạc Phú Quang – Diệu Hương, đêm nhạc Lam Phương… thu hút nhiều người đam mê đến thưởng thức.

Bà Trần Thị Thanh Thúy (56 tuổi), tiểu thương buôn bán ở chợ thị trấn Krông Kmar chia sẻ: “Bây giờ mình đã lớn tuổi, con cái đứa thì đi học, đứa đi làm ở xa. Cả ngày bận rộn với công việc, tối về chỉ biết ngồi xem truyền hình, nhiều lúc cảm thấy cuộc sống buồn tẻ lắm… Rồi một số người bạn có cùng sở thích đam mê khiêu vũ, âm nhạc rủ tham gia sân chơi này. Khiêu vũ và âm nhạc không chỉ mang lại cho mình thêm thú vui trong cuộc sống mà còn giúp mình giải tỏa căng thẳng sau những làm việc, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu được…”.

Sôi động hơn là chương trình “Khiêu vũ – Hát cho nhau nghe” vào mỗi tối thứ năm và chủ nhật hằng tuần ở Hội quán Cà phê Trà My tại tổ dân phố 5 (thị trấn Krông Kmar). Khách đến đây phần lớn là người ở độ tuổi U50, U60, giáo viên về hưu và số ít người trẻ hơn. Những bài hát thuộc các dòng nhạc đang thịnh hành hiện nay như bolero, rumba, cha cha cha… thu hút rất nhiều cặp đôi khiêu vũ.

Vào những dịp kỷ niệm ngày lễ lớn của đất nước, tại những hội quán “khiêu vũ – hát cho nhau nghe” lại vang lên những bài hát cách mạng, âm hưởng hào hùng như: “Đất nước trọn niềm vui”, “Bài ca Trường Sơn”, “Đường chúng ta đi” hay “Tình Bác sáng đời ta”, “Bác Hồ một tình yêu bao la”…

Ông Võ Phương (ở tổ dân phố 4, thị trấn Krông Kmar) dù đã 68 tuổi nhưng là giọng nam khá điêu luyện, những đêm đến Hội quán Cà phê Trà My ông thường là người được mời lên hát mở đầu cho chương trình. Hay bà Nguyễn Thị Lệ Hoa (48 tuổi, ở tổ dân phố 8, thị trấn Krông Kmar) sở hữu giọng nữ cao, hát được nhiều dòng nhạc, mỗi khi bà cất giọng hát, cả khán phòng không ai bảo ai đều ra sàn khiêu vũ, tạo nên bầu không khí vui tươi và sôi động.

Một tiết mục hát cho nhau nghe ở Hội quán Cà phê Trà My.
Một tiết mục hát cho nhau nghe ở Hội quán Cà phê Trà My.

Qua một thời gian hoạt động của các địa điểm “khiêu vũ – hát cho nhau nghe”, có thể thấy bộ môn khiêu vũ đang được rất nhiều người yêu thích, bởi đó không chỉ là hoạt động thư giãn tuyệt vời mà còn là môn thể thao rất hữu ích đối với sức khỏe của người trung niên. Thông qua chương trình “Khiêu vũ - Hát cho nhau nghe”, nhiều người đã trở thành hạt nhân trong các chương trình văn nghệ quần chúng ở địa phương. Ngoài việc chắp cánh cho tình yêu âm nhạc thăng hoa, sân chơi văn hóa này còn là nơi để những người trung niên sẻ chia những buồn vui trong cuộc sống; trao đổi những cách làm hay, hiệu quả để chung tay xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.

Viết Mai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.