Tiếp tục thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với người có công
Tiếp tục thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng nhằm giúp họ bớt đi những khó khăn trong cuộc sống là mục tiêu tỉnh phấn đấu đạt được trong giai đoạn 2020 - 2025.
Theo đó, giai đoạn này, tỉnh quyết tâm đạt một số chỉ tiêu: huy động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa từ 35 tỷ đồng trở lên; xây dựng mới 400 nhà Tình nghĩa; nâng cấp, sửa chữa 250 nhà Tình nghĩa cho đối tượng chính sách khó khăn về nhà ở; đến năm 2022 không còn hộ nghèo thuộc gia đình chính sách có công (không kể số đối tượng mới di chuyển đến); 98% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân địa phương; duy trì 100% xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh liệt sỹ...
Riêng năm 2020, tỉnh phấn đấu vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa đạt trên 7 tỷ đồng trở lên để hỗ trợ người có công, thân nhân người có công cải thiện nhà ở; hỗ trợ đột xuất cho các đối tượng người có công bị ốm đau, bệnh tật và gặp khó khăn trong cuộc sống; thăm, tặng quà đối tượng chính sách tiêu biểu, thân nhân của họ nhân các ngày lễ tết trong năm...
Đại diện lãnh đạo Công ty Cổ phần Đô thị và Môi trường Đắk Lắk trao quà tặng và quyết định nhận phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng Tô Thị Chiểu (phường Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột). |
Ông Lê Hải Lý, Trưởng Phòng Người có công (Sở LĐ-TBXH) cho biết, giải quyết tốt chế độ chính sách đối với người có công, đặc biệt những trường hợp tham gia kháng chiến nhưng chưa được hưởng chế độ chính sách là trách nhiệm, đồng thời cũng thể hiện sự tri ân của Đảng, Nhà nước đối với những người có công với cách mạng.
Vì vậy, trong những năm qua Sở LĐ - TBXH đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kinh nghiệm cho cán bộ chính sách các xã, phường, thị trấn về trình tự các bước thẩm định, xét duyệt hồ sơ, bảo đảm chặt chẽ, nghiêm túc, dân chủ, công khai, đúng quy trình, không để nhầm lẫn, sai sót cho các đối tượng.
Hiện ngân sách nhà nước dành hơn 21 tỷ đồng để thực hiện chi trả các chế độ ưu đãi hằng tháng cho gần 12 nghìn người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh. Cùng với việc thực hiện tốt chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, toàn thể xã hội đã thể hiện lòng biết ơn bằng những việc làm thiết thực, từ đó phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của cộng đồng, góp phần ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người có công.
Nhân viên Phòng Người có công (Sở LĐ-TBXH) giải đáp, hướng dẫn đối tượng thiết lập hồ sơ người có công. Ảnh: H.Lý |
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện công tác chính sách người có công trên địa bàn tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: chế độ trợ cấp hằng tháng của một số đối tượng thấp; thủ tục giải quyết chế độ bảo hiểm y tế đối với thân nhân người có công, giám định lại thương tật… nhiều bất cập; hệ thống văn bản quy định giải quyết một số chế độ chưa thống nhất, rõ ràng, còn chồng chéo; nhiều thủ tục hành chính gây khó khăn, phiền hà cho đối tượng. Đến nay, Trung ương vẫn chưa có văn bản hướng dẫn giải quyết chế độ chính sách đối với lực lượng lao động tiền trạm kinh tế mới của các tỉnh phía Bắc vào Đắk Lắk giai đoạn 1976 - 1980. Đặc biệt vẫn còn xảy ra tình trạng làm giả hồ sơ để hưởng chính sách người có công gây bất bình trong nhân dân...
Theo ông Lê Hải Lý, để thực hiện tốt hơn công tác này trong thời gian tới cần thực hiện đồng bộ sự lãnh đạo của cấp ủy, sự điều hành của chính quyền các cấp, sự phối hợp của các tổ chức đoàn thể trong triển khai thực hiện Pháp lệnh ưu đãi và các văn bản pháp luật liên quan đến chính sách đối với người có công. Thực hiện phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm người đứng đầu. Phát huy tinh thần, trách nhiệm của người dân trong việc tham gia thực hiện và giám sát thực hiện các chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng.
Nguyên Lý
Ý kiến bạn đọc