Multimedia Đọc Báo in

Xã Ea Ngai (huyện Krông Búk): Thiếu quỹ đất xây dựng nhà văn hóa thôn

09:51, 12/03/2020

Hiện nay, các thôn trên địa bàn xã Ea Ngai (huyện Krông Búk) đều chưa có nhà văn hóa. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến việc hội họp, sinh hoạt cộng đồng của người dân mà còn gây khó khăn trong thực hiện tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa trong xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Vì 9/9 thôn của xã đều không có nhà văn hóa nên các hoạt động sinh hoạt cộng đồng trong thôn đều phải mượn nhà dân. Anh Võ Văn Đồng, Trưởng thôn 2 cho biết: “Mỗi lần họp phải mượn nhà dân, dù rất bất tiện, phiền hà nhưng không biết làm sao được. Những cuộc họp đông người như hội nghị tiếp xúc cử tri, tổ chức các ngày lễ, ngày hội Đại đoàn kết toàn dân thì phải mượn Hội trường của UBND xã”. Anh Phan Duy Dũng, một người dân thôn 2 bày tỏ: “Không biết bao giờ người dân thôn tôi mới hết cảnh đi họp nhờ. Người lớn phải đi sinh hoạt nhờ đã đành, nhưng mỗi dịp hè về, các cháu thiếu nhi ở thôn cũng không có nơi để tập trung vui chơi, giải trí”.

Chi bộ thôn 2 phải họp nhờ ở nhà dân trong thôn.
Chi bộ thôn 2 phải họp nhờ ở nhà dân trong thôn.

Theo ông Hồ Văn Duyên, Trưởng thôn 3 thì việc mượn địa điểm hội họp, sinh hoạt tại nhà dân đã phần nào ảnh hưởng đến hoạt động của các đoàn thể, tổ chức chính trị, Mặt trận Tổ quốc. Chẳng hạn như khi tổ hòa giải của thôn muốn đứng ra giải quyết các tranh chấp, xích mích xảy ra ở trong thôn thì hầu như không nhà nào dám cho mượn địa điểm; còn khi các chi hội phụ nữ, nông dân hay tổ vay vốn làm việc cũng cố gắng làm nhanh để còn “trả” nhà cho hội viên...

 
“Hiện xã Ea Ngai còn 4/19 tiêu chí nông thôn mới chưa đạt là chợ nông thôn, hộ nghèo, tổ chức sản xuất và cơ sở vật chất văn hóa, trong đó tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa khó đạt nhất do gặp nhiều vướng mắc về quỹ đất xây dựng nhà văn hóa của các thôn trên địa bàn”.
 
Ông Nguyễn Trọng Lâm, Chủ tịch UBND xã Ea Ngai

Ông Nguyễn Trọng Lâm, Chủ tịch UBND xã Ea Ngai lý giải: Xã thành lập vào năm 1999, mà mãi đến khi lập Đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới của xã giai đoạn 2011 - 2020 mới quy hoạch quỹ đất để xây dựng nhà văn hóa ở 9 thôn, nhưng lại gặp vướng mắc khi quỹ đất này nằm trên diện tích đất nông nghiệp của người dân. Đến Đề án Điều chỉnh quy hoạch nông thôn mới giai đoạn 2015 - 2020, sau khi các thôn họp bàn và thống nhất thì có thôn 1 và thôn 9 có điều chỉnh vị trí quỹ đất xây hội trường thôn để phù hợp và thuận tiện hơn.

Tuy nhiên, các quỹ đất trên vẫn nằm trên diện tích đất nông nghiệp của người dân. Để tháo gỡ khó khăn này, UBND xã đã làm văn bản đề xuất UBND huyện cho chủ sở hữu quỹ đất quy hoạch xây nhà văn hóa ở 9 thôn được hoán đổi lấy đất ở khu định cư thôn 1. Nhưng sau khi kiểm tra, rà soát lại quỹ đất xây dựng hội trường thôn, buôn trên địa bàn 7 xã  của huyện, ngày 17-5-2019, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đã có báo cáo kết luận việc đề nghị đấu giá một số lô đất trong khu định cư thôn 1 để tạo quỹ đất xây dựng hội trường là không phù hợp với quy định hiện hành và đề nghị UBND xã Ea Ngai xem xét, nghiên cứu đề xuất quỹ đất khác. UBND huyện cũng có ý kiến chỉ đạo UBND xã Ea Ngai làm công tác xã hội hóa mua quỹ đất xây nhà văn hóa thôn nằm trong điều chỉnh quy hoạch nông thôn mới giai đoạn 2015 - 2020. Nhưng theo ông Lâm, hiện đời sống kinh tế của đa số người dân ở các thôn còn khó khăn nên việc vận động khá nan giải.

Thùy Duyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.