Multimedia Đọc Báo in

Chung sức chống đại dịch

08:58, 09/04/2020

Ý thức trách nhiệm với cuộc chiến phòng, chống đại dịch Covid - 19, nhiều doanh nghiệp, cơ quan, trường học trên địa bàn tỉnh đã huy động kinh phí, chung sức với Đảng, Nhà nước có thêm nguồn lực phục vụ cho công tác phòng, chống bệnh dịch nguy hiểm này.

Là một trong những cơ quan tiên phong, đến Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trao trực tiếp số tiền 270 triệu đồng mà cán bộ, viên chức ngành TAND tỉnh ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 và nhân dân bị ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn, ông Nguyễn Duy Hữu, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh cho biết: “Đây là số tiền mà chúng tôi vận động chỉ trong thời gian một ngày, dưới hình thức mỗi cán bộ, viên chức ủng hộ 3 ngày lương, nhằm góp thêm nguồn lực cùng Đảng, Nhà nước đẩy lùi dịch bệnh cũng như hỗ trợ nhân dân các địa phương đang gánh chịu hậu quả nặng nề của hạn hán, xâm nhập mặn vượt qua khó khăn trước mắt”.

Trong bối cảnh kinh doanh gặp khó khăn chung do ảnh hưởng của dịch bệnh, doanh thu giảm sút, song Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn – miền Trung cũng thể hiện trách nhiệm xã hội của một doanh nghiệp khi đến ủng hộ 100 triệu đồng. Còn Doanh nghiệp tư nhân thương mại Thuận Phát (huyện Krông Pắc), khi nghe tin Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đang tổ chức tiếp nhận ủng hộ, đã lập tức đến để trao số tiền hỗ trợ 50 triệu đồng. Đại diện chủ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Bảy chia sẻ: “Nghe lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và đọc những dòng thông tin xúc động về các y, bác sĩ trên cả nước đang toàn tâm toàn lực, đối mặt với nguy cơ có thể bị lây nhiễm để chăm lo cho bệnh nhân, chúng tôi cũng muốn đóng góp một phần nhỏ bé để động viên tinh thần đội ngũ y, bác sĩ”.

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tiếp nhận kinh phí ủng hộ của ngành Tòa án nhân dân tỉnh.
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tiếp nhận kinh phí ủng hộ của ngành Tòa án nhân dân tỉnh.

72 triệu đồng là số tiền mà cán bộ, giáo viên, sinh viên Trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên đóng góp ủng hộ cho công tác chống dịch bệnh và xâm nhập mặn, hạn hán. Theo thầy Ra Lan Von Ga, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên thì chưa lúc nào mà tinh thần đoàn kết, thống nhất của tập thể giáo viên và sinh viên nhà trường lại lên cao như ở cuộc vận động này, mỗi người tùy theo khả năng đóng góp ủng hộ "cuộc chiến" chống Covid - 19.

Có mặt trực tiếp chứng kiến các cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp đóng góp ủng hộ, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường ghi nhận tấm lòng, hành động thiết thực của các cơ quan, đơn vị đã nhiệt tình, chung sức hỗ trợ kinh phí để Đảng, Nhà nước có thêm nguồn lực mua sắm trang thiết bị y tế, lo cho công tác hậu cần ở các khu vực cách ly, với mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe của nhân dân cũng như đảm bảo thực hiện tốt nhất công tác an sinh xã hội, chăm lo cho những đối tượng, gia đình chính sách bị tác động trực tiếp bởi dịch bệnh. Đồng chí Bùi Văn Cường nhấn mạnh: “Hơn lúc nào hết, bản thân mỗi cán bộ, công nhân viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang và toàn thể người dân cần phát huy trách nhiệm của công dân, đồng thuận, đồng lòng hưởng ứng, từ vật chất đến tinh thần, quyết tâm cùng Đảng, Nhà nước đẩy lùi dịch bệnh này. Trước mắt, hành động thiết thực, trong khả năng mà ai cũng có thể làm được là tự giác, ý thức chấp hành tốt quy định cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ”.

“Trước tiên, tỉnh sẽ tiếp nhận đóng góp, phân chia rõ ràng theo hai nguồn: hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 và bị ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn. Sau đó tùy tình hình, diễn biến dịch sẽ có hai phương án: chuyển về Trung ương hoặc để lại địa phương để phục vụ cho cả hai mặt công tác này”, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh H’Kim Hoa Byă thông tin về số kinh phí tiếp nhận ủng hộ.

Theo thống kê, đến thời điểm này số tiền mà các cơ quan, đơn vị, trường học đóng góp trực tiếp về Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh được hơn 1 tỷ đồng. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tiếp tục kêu gọi sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong toàn tỉnh.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.