Multimedia Đọc Báo in

Lao động tự do chật vật mưu sinh mùa dịch

08:41, 05/04/2020

Công việc ngưng trệ, thu nhập ngắt quãng trong mùa dịch Covid-19 đã khiến những người lao động tự do gặp nhiều khó khăn.

Có mặt tại chợ Ea Tam (TP. Buôn Ma Thuột) vào những ngày cuối tháng 3, trái ngược với không khí náo nhiệt trước đây, cảnh chợ giờ đìu hiu thấy rõ, người đi chợ thưa thớt, trên khuôn mặt các tiểu thương lộ rõ nét lo lắng, buồn rầu.

Chị H’Phương Niê (tiểu thương buôn bán thực phẩm) chia sẻ, đây vốn là khu chợ chuyên cung cấp hàng hóa cho sinh viên và người dân quanh khu vực, nhưng do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, sinh viên được nghỉ học dài ngày, người dân lại ít đi chợ khiến cho các tiểu thương ở đây rơi vào cảnh ế ẩm. Tuy vậy, mọi người vẫn phải buôn bán cầm cự, giảm lượng hàng hóa nhập vào, cố gắng xoay xở giữa mùa dịch...

Cùng chung cảnh ngộ, nhiều tiểu thương bán giày dép, quần áo ở đây cũng “ngáp ngắn ngáp dài” chờ khách. Một chủ sạp dép cho biết, trước đây khi chưa có dịch mỗi ngày chị bán được từ 1 đến 2 triệu đồng, thế nhưng từ khi dịch bùng phát, mỗi ngày chỉ còn khoảng vài trăm nghìn đồng. Trừ phí thuê sạp, tiền nhập hàng, tiền ăn uống… cũng chẳng còn lại được bao nhiêu, có khi còn không đủ.

Người lao động tự do nhận nước rửa tay phòng dịch Covid-19 tại phường Thống Nhất (TP. Buôn Ma Thuột).
Người lao động tự do nhận nước rửa tay phòng dịch Covid-19 tại phường Thống Nhất (TP. Buôn Ma Thuột).

Dưới cái nắng gay gắt, bà Trần Thị Lê (xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột) cùng các “đồng nghiệp” vẫn kiên nhẫn đạp xe đi thu mua phế liệu. Là công việc tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm bệnh giữa mùa dịch, thế nhưng mọi người vẫn phải bám trụ với công việc để duy trì cuộc sống. Bà Lê cho biết, trước đây mỗi ngày làm việc bà cũng kiếm được hơn 100 nghìn đồng. Từ khi xuất hiện dịch Covid-19, việc thu mua khó khăn hơn, bà chủ yếu đi nhặt nhạnh phế liệu ở các thùng rác, điểm tập kết rác thải, thu nhập không đáng là bao. Đáng lo hơn, chủ vựa phế liệu đã thông báo sẽ giảm giá mua vào chỉ còn một nửa so với trước do đơn vị thu mua ngưng nhập hàng từ đầu tháng 4-2020. Khó chồng khó, bà Lê chỉ mong dịch bệnh qua mau để mọi việc trở lại như trước đây.

Khó khăn nhất trong mùa dịch phải kể đến những người bán vé số vì phải tạm “thất nghiệp” đến ngày 15-4. Hai mẹ con bà Phạm Thị Thu (phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột) đều mưu sinh bằng việc bán vé số dạo. Làm lâu năm và có nhiều “mối” quen, mỗi ngày bà kiếm được hơn 200 nghìn đồng, còn con dâu bà mới vào nghề nên bán được ít hơn, thu nhập chỉ khoảng 150 nghìn đồng. Cả tháng nay, trước thông tin dịch bệnh, người mua vé số có phần dè dặt hơn, thu nhập của bà và con dâu đều giảm sút, nhưng vẫn động viên nhau bán được ngày nào hay ngày đó vì đây là nguồn thu nhập chính để trang trải chi phí sinh hoạt cho cả gia đình. Vé số tạm ngừng phát hành, mẹ con bà xem như thất nghiệp. Bà dự định pha cà phê tại nhà, giao hàng cho những người quen, còn con dâu bà đã xin làm thuê ở nhiều nơi nhưng chưa ai nhận.

 Bà Nguyễn Thị  Kim Lan (chủ đại lý  vé số Kim Lan)  tặng gạo cho người bán vé số trước ngày tạm dừng phát hành  vé số.
Bà Nguyễn Thị Kim Lan (chủ đại lý vé số Kim Lan) tặng gạo cho người bán vé số trước ngày tạm dừng phát hành vé số.

Những người ngoại tỉnh làm nghề bán vé số dạo cũng cố gắng bám trụ đến ngày bán cuối với hi vọng sẽ được mọi người ủng hộ nhiều hơn. Ông Phạm Ngọc Huệ (quê Quảng Nam) bán vé số tại TP. Buôn Ma Thuột suốt 7 năm qua. Mỗi ngày ông bán được khoảng 100 tờ, tích góp nuôi con đang học đại học. Thời gian tạm nghỉ, ông dự tính về quê để đỡ tốn tiền trọ và chi tiêu hằng ngày, nhưng không đặt được vé xe. Ông vẫn chưa biết xoay xở ra sao trong những ngày sắp tới.

Để chia sẻ khó khăn với người bán vé số, hầu hết các đại lý đều có những hoạt động hỗ trợ như tặng gạo, nhu yếu phẩm, ứng tiền mặt… Đại lý vé số Kim Lan (chợ Buôn Ma Thuột) có hơn 40 người bán vé số thường xuyên, trong đó có một nửa là lao động ngoại tỉnh. Bà Nguyễn Thị Kim Lan (chủ đại lý) cho biết, từ khi có thông tin dịch bệnh, thu nhập của người bán vé số giảm nhiều. Đại lý đã thực hiện các biện pháp phòng dịch như cấp phát nước rửa tay, khẩu trang và nhắc nhở người bán dạo sử dụng thường xuyên để khách bớt lo lắng cũng như hạn chế nguy cơ lây nhiễm vi rút. Theo chủ trương chung, các công ty xổ số đều tạm ngưng phát hành và chưa có hỗ trợ gì cho người lao động bị ảnh hưởng nên đại lý chủ động tặng 5 kg gạo và cho ứng suất tiền bán được trong ngày để người bán vé số dạo trang trải trong khoảng thời gian này.

Trước bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, các giải pháp phòng dịch ngày càng được thắt chặt, đối tượng lao động tự do càng vất vả hơn. Đối với họ, khó khăn nhất thời điểm này vẫn là việc kiếm thu nhập để trang trải cuộc sống hằng ngày. Thế nhưng, hầu hết mọi người đều nhận thức được khó khăn trước mắt chỉ là tạm thời, việc thực hiện nghiêm các giải pháp cách ly toàn xã hội sẽ góp phần bảo vệ sức khỏe và sự an toàn cho chính mình, gia đình và cộng đồng.

Đinh Nga - Nguyễn Huyền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.