Multimedia Đọc Báo in

Huyện Buôn Đôn: Người dân chật vật vì thiếu nước sinh hoạt

06:32, 17/05/2020

Gần 2 tháng nay, người dân ở nhiều xã trên địa bàn huyện Buôn Đôn rơi vào cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.

Đến xã Ea Nuôl vào những ngày này không khó để bắt gặp hình ảnh người dân tất bật chở bình nước đi đổi để sử dụng cho sinh hoạt, bởi hầu hết các giếng đào trong vùng đều đã cạn nước. Gia đình chị H’Yi Aleo (thôn Hòa Nam 2) cũng có giếng đào, nhưng đã cạn nước từ nhiều tháng trước. Hiện gia đình chị với 5 thành viên hằng ngày phải xin nước của hàng xóm để sử dụng cho việc tắm giặt, còn nấu ăn, uống phải mua nước đóng bình. Mỗi ngày gia đình chị H’Yi Aleo dùng hết 2 bình nước, trung bình mỗi tháng chị phải mất hơn 600 nghìn đồng mua nước để sử dụng. May mắn hơn, gia đình anh A Véo (thôn Hòa Nam 2) có giếng khoan vẫn còn nước, cứ vài ngày anh lại bơm lên được chừng nửa bồn nước 1.000 lít, nhưng cũng chỉ đủ để vợ chồng, con cái tắm giặt, còn nước để ăn uống thì vẫn phải mua nước bình. Không có nguồn nước tưới tiêu, gia đình anh cũng đành bất lực nhìn 8 sào cà phê và 3 sào tiêu đang héo dần vì khô hạn.

Công trình giếng khoan đang được xây dựng tại thôn 15, xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn).
Công trình giếng khoan đang được xây dựng tại thôn 15, xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn).

Theo ông Lê Vy (Phó Trưởng thôn Hòa Nam 2), thôn hiện có 193 hộ, trong đó có 41 hộ nghèo, 18 hộ cận nghèo. Từ nhiều năm nay, cứ đến mùa khô là người dân ở đây lại rơi vào cảnh “khát” nước sạch. Bởi vào mùa mưa mọi người có giếng đào, nhiều nhà xây bể, mua bồn, tẹc hứng nước mưa dự trữ để sử dụng. Còn mùa khô đến, các giếng đào cạn kiệt nước, giếng khoan tuy vẫn còn nước nhưng rất ít. Đặc biệt, nước này chỉ sử dụng để tắm giặt còn muốn nấu ăn, uống phải mua nước bình vì hầu hết nước giếng ở đây bị nhiễm phèn, vôi; bơm lên có mùi hôi nên phải đợi lắng cặn rồi mới sử dụng được. Nếu sử dụng ngay để tắm sẽ bị ngứa ngáy, còn dùng để nấu ăn thì thức ăn có mùi hôi, rất khó ăn. Cũng theo ông Vy, năm nay mùa mưa đến muộn, nắng hạn kéo dài khiến hầu hết các giếng trong vùng đều bị cạn, nhiều giếng không còn nước. Nhiều hộ tiến hành đào, khoan thêm giếng mà vẫn không có nước sử dụng nhiều tháng nay, các hộ dân thiếu nước phải chở bồn đi tìm xin nước về dùng.

 
“Trước tình trạng hạn hán kéo dài, người dân chỉ biết chắt chiu, chia sẻ nguồn nước với nhau để sử dụng trong sinh hoạt. Tuy vậy, về lâu dài, người dân tha thiết mong mỏi Nhà nước có phương án xây dựng công trình nước sạch tập trung để mọi người có thể an tâm sử dụng, không phải chật vật mỗi khi mùa khô đến”.
 
Ông Lê Vy – Phó Trưởng thôn Hòa Nam 2 (xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn)

Tại xã Ea Bar, gần 2 tháng nay nhiều hộ dân cũng rơi vào cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Ông Hoàng Đức Việt (thôn 15) cho hay, nhiều năm nay, cứ đến thời điểm nắng hạn này là gia đình ông phải dùng can nhựa đi xin nước người dân xung quanh. Năm nay, trung bình một ngày ông xin được 50 lít nước từ giếng khoan của người dân trong thôn, đủ để vợ chồng ông sử dụng trong ngày. Mặc dù biết nước giếng khoan nhiễm phèn dùng ăn uống không đảm bảo, nhưng điều kiện gia đình khó khăn nên để tiết kiệm được chi phí, ông thường để nước lắng qua đêm, chắt lấy nước trong rồi mới mang ra nấu ăn.

Ông Nguyễn Hữu Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Bar cho biết, toàn xã có 21 thôn, buôn với dân số hơn 17.000 người. Hiện tại hơn 90% các giếng đào trên địa bàn xã đã cạn nước, nhiều giếng khoan chỉ đủ dùng cho sinh hoạt. Xã đã có hai trạm cấp nước sạch tại thôn 5 và buôn Knia nhưng chỉ đủ cung cấp nước cho hơn 900 hộ dân. Ngoài ra, năm 2017 xã được huyện hỗ trợ 4 giếng khoan tập trung, nhưng chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng của 4 thôn, buôn. Nhiều thôn, buôn khác thiếu nước nghiêm trọng như thôn 15, 18A, 18B… nên người dân đều phải đi xin nước và mua nước bình để nấu ăn, uống.

Gia đình anh A Véo (thôn Hòa Nam 2, xã Ea Nuôl) sử dụng nước bình để nấu ăn từ nhiều năm nay.
Gia đình anh A Véo (thôn Hòa Nam 2, xã Ea Nuôl) sử dụng nước bình để nấu ăn từ nhiều năm nay.

Theo rà soát của Phòng NN-PTNT huyện Buôn Đôn, từ đầu mùa khô năm 2020 đến nay, địa phương có khoảng 1.500 ha cây trồng các loại như: hồ tiêu, cà phê, cây ăn quả… bị khô hạn; hơn 1.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, tập trung chủ yếu ở xã Ea Bar và Ea Nuôl. Để đáp ứng nhu cầu của người dân về nguồn nước sinh hoạt, từ năm 2015 đến nay, Phòng cũng đã xây dựng được 20 giếng khoan tập trung ở các xã. Năm nay, Phòng đã khảo sát và xây dựng thêm 6 công trình giếng nước tập trung hỗ trợ nhân dân, trong đó 3 giếng ở xã Ea Nuôl, 2 giếng ở xã Ea Bar và 1 giếng ở trung tâm huyện.

Huyền Diệu – Phương Thảo


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.