Multimedia Đọc Báo in

Nhọc nhằn nghề lao công mùa dịch

08:24, 27/05/2020

Công việc thu gom rác thải sinh hoạt vốn đã tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm bệnh tật thì thời gian gần đây lại càng đáng lo ngại hơn khi dịch Covid-19 đang có diễn biến khó lường. Thế nhưng, để giữ cho phố phường luôn sạch đẹp, những nhân viên môi trường vẫn âm thầm ra đường làm nhiệm vụ.

Khi mọi người hối hả về nhà sau một ngày làm việc cũng là lúc chị Hoàng Thị Gấm, công nhân Xí nghiệp Vệ sinh (thuộc Công ty Cổ phần Đô thị và Môi trường Đắk Lắk) lại bắt đầu công việc quen thuộc của mình. Vẫn bộ quần áo bảo hộ lao động, khẩu trang vải che đủ mặt và đôi găng tay cao su để bảo đảm an toàn vệ sinh, thì nay lại có thêm chức năng để phòng, chống dịch Covid-19. Ca làm của chị Gấm thường bắt đầu từ 18 giờ đến khoảng 23 giờ hằng ngày, không kể mưa bão, hay lễ, Tết. “Nghề quét rác vất vả, lấy đêm làm ngày, nhưng công việc này cũng giúp tôi có thu nhập ổn định để trang trải cuộc sống gia đình. Nói không lo dịch bệnh thì chưa đúng, nhưng nếu không đi làm thì rác thải ùn ứ lại càng nguy hiểm hơn. Nhất là khi ý thức của một số người dân vẫn chưa cao”, chị Gấm chia sẻ.

Nhân viên quét rác trang bị bảo hộ khá kỹ khi đi làm.
Nhân viên quét rác trang bị bảo hộ khá kỹ khi đi làm.

Cũng giống như chị Gấm, hơn 24 năm gắn bó với nghề thu gom rác đã để lại cho chị Dương Thị Lan Anh (nhân viên của Xí nghiệp Vệ sinh) nhiều kỷ niệm, đặc biệt là trong mùa dịch Covid-19. Chị Lan Anh cho biết, hằng ngày chị được phân công quét và thu gom rác tại khuôn viên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Thời điểm vừa qua, bệnh viện đã thành lập khu tiếp nhận và khám cách ly tập trung phòng, chống dịch Covid-19, thì bản thân chị không tránh khỏi cảm giác lo lắng. Nhưng sau khi được lãnh đạo Xí nghiệp phổ biến các quy định, cách phòng tránh, cấp thêm khẩu trang y tế, xà phòng diệt khuẩn... khi đi làm thì chị cũng yên tâm hơn.

 
"Nhiều người tùy tiện vứt khẩu trang đã qua sử dụng, hoặc khạc nhổ xuống đường. Chúng tôi chỉ biết nhắc nhở nhau tuân thủ nghiêm túc các quy định để tự bảo vệ mình".
 
Chị Hoàng Thị Gấm

Không chỉ cực nhọc hơn, trong mùa dịch, những công nhân vệ sinh còn gặp phải những tình huống dở khóc dở cười khi bị chính người dân kỳ thị. “Mới tuần trước, trong lúc thu gom rác, có một người chẳng nói chẳng rằng quẳng túi rác xuống ngay dưới chân chúng tôi. Khi tôi hỏi vì sao bác không cho vào xe rác mà lại làm như vậy thì người kia thẳng thừng trả lời rằng nghề của các cô toàn tiếp xúc với những thứ bẩn thỉu, độc hại lại còn thường xuyên di chuyển khắp nơi nên sợ không dám đến gần. Lúc ấy tôi cảm thấy bị tổn thương lắm”- chị Trần Thị Tuyết, nhân viên Xí nghiệp Vệ sinh tâm sự.

Chị Trần Thị Tuyết, nhân viên Xí nghiệp Vệ sinh đang thu gom rác trên đường Mạc Thị Bưởi (TP. Buôn Ma Thuột).
Chị Trần Thị Tuyết, nhân viên Xí nghiệp Vệ sinh đang thu gom rác trên đường Mạc Thị Bưởi (TP. Buôn Ma Thuột).

Xí nghiệp Vệ sinh hiện có 212 công nhân vệ sinh, trong đó, phần lớn là nhân viên quét và thu gom rác. Trung bình mỗi ngày đêm, công nhân của xí nghiệp thu gom khoảng 20.000 tấn rác thải các loại. Theo ông Bùi Hoàng Hà, Phó Giám đốc Xí nghiệp Vệ sinh, để ứng phó với tình hình dịch bệnh Covid-19 và bảo đảm vệ sinh môi trường, quá trình thu gom rác được yêu cầu đảm bảo đúng quy trình, xe chuyên dụng và các thùng rác được phun khử trùng trước khi cho lên xe đưa về bãi tập kết. Đối với người lao động, đơn vị cũng thường xuyên hướng dẫn các biện pháp phòng tránh lây nhiễm dịch bệnh; cung cấp đầy đủ đồ bảo hộ lao động, đo thân nhiệt mỗi ngày, khuyến cáo cán bộ, công nhân viên giữ gìn vệ sinh cá nhân, đeo găng tay, khẩu trang… trong quá trình lao động.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.