Multimedia Đọc Báo in

Tấm lòng người lính vùng biên

09:01, 04/05/2020

Thời gian qua, bên cạnh nhiệm vụ ngày đêm chốt chặn trên tuyến biên giới để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, các cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng (BĐBP) còn huy động nhiều nguồn lực giúp đỡ người dân vùng biên .

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, BĐBP tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp tích cực, nỗ lực cùng các cấp, ngành ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 như: tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ biên giới, đường mòn, lối mở, ngăn chặn triệt để các hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân công tác phòng, chống dịch bệnh. Cùng với thực hiện nhiệm vụ nơi tuyến đầu chống dịch, lực lượng BĐBP còn triển khai nhiều hoạt động thiết thực vì cuộc sống cộng đồng, vì sự bình yên của biên giới Tổ quốc.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sê rê pốk tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cho người dân nơi biên giới.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sê rê pốk tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cho người dân nơi biên giới.

Đó là huy động sự đóng góp của cán bộ, chiến sĩ và vận động sự giúp đỡ của nhiều nguồn lực trong xã hội để tiến hành cấp phát hàng nghìn khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn phòng dịch miễn phí cho người dân khu vực biên giới; trao tặng hơn 400 suất quà cho các gia đình đặc biệt khó khăn tại địa bàn 3 xã biên giới là: Krông Na (huyện Buôn Đôn) và Ia Rvê, Ia Lốp (huyện Ea Súp) với tổng trị giá các phần quà gần 200 triệu đồng.

 

“Công tác phòng, chống dịch Covid-19 có thể còn kéo dài nên cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh luôn xác định tư tưởng không lơ là, chủ quan với dịch bệnh, sẵn sàng làm nhiệm vụ với tinh thần: Tất cả vì sức khỏe, tính mạng của nhân dân".

 

Đại tá Đỗ Quang Thấm,  Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh

 

Bà Đỗ Thị Hằng (trú tại buôn Đôn, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) năm nay đã ngoài 70 tuổi, sống đơn thân trong căn nhà tuềnh toàng. Hằng ngày, bà đi loanh quanh trong xã nhặt phế liệu về bán lấy tiền đong gạo, trang trải cuộc sống. Từ ngày xảy ra dịch bệnh, bà chỉ quanh quẩn trong nhà, cuộc sống càng thêm khốn khó khi không có nguồn thu nào khác. Do đó, phần quà gồm gạo và dầu ăn của BĐBP tỉnh tặng lúc này thực sự quý giá với bà.

Trên địa bàn xã Krông Na còn có 145 hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được Bộ Chỉ huy BĐBP trao tặng quà đợt này. Để những phần quà đến đúng gia đình, đúng đối tượng, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh chỉ đạo các đồn biên phòng đứng chân trên địa bàn phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát, lựa chọn kỹ trước khi trao tặng. Đặc biệt, để bảo đảm công tác phòng dịch, không tập trung đông người, các cán bộ, chiến sĩ biên phòng cùng với cán bộ xã trực tiếp đến từng nhà trao tận tay cho từng hộ dân.

Bà Bun Xóm Lào, Chủ tịch UBND xã Krông Na chia sẻ: “Bà con rất phấn khởi và cảm kích khi nhận được những phần quà này, dù giá trị vật chất không lớn nhưng đã phần nào giúp đỡ nhân dân vượt qua được giai đoạn khó khăn, đồng thời thắt chặt hơn tình cảm quân - dân nơi vùng biên”.

Lãnh đạo Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh trao quà tặng  bà Đỗ Thị Hằng (xã Krông Na,  huyện Buôn Đôn).
Lãnh đạo Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh trao quà tặng bà Đỗ Thị Hằng (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn).

Đại tá Đỗ Quang Thấm, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cho biết: “Khu vực biên giới của tỉnh gồm 4 xã thuộc 2 huyện Buôn Đôn và Ea Súp, trong đó 3 xã có tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 50%. Khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, giá nông sản xuống thấp, hạn hán diễn ra gay gắt, cuộc sống của các gia đình nghèo trên khu vực biên giới càng thêm khó khăn.

Xuất phát từ tình cảm, trách nhiệm của BĐBP đối với nhân dân khu vực biên giới, chúng tôi phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành khảo sát và trao tặng những phần quà ý nghĩa đến các gia đình khó khăn nơi đây. Những phần quà tuy giá trị vật chất không lớn nhưng là tất cả tấm lòng của người lính biên phòng với nhân dân, với mong muốn động viên, hỗ trợ bà con vượt qua khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19. Qua đó góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn biên giới”.

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.