Multimedia Đọc Báo in

Thủ lĩnh Đoàn sáng tạo vì cộng đồng

09:06, 04/05/2020

Vượt qua khó khăn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn; nhiệt tình, tâm huyết, gương mẫu, đi đầu trong mọi hoạt động, thầy giáo Mai Văn Chuyền (Bí thư Chi đoàn Trường THCS Ngô Mây, xã Ea M’droh, huyện Cư M’gar) và Đại úy Nguyễn Văn Tú (Bí thư Chi đoàn Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh) là hai cán bộ Đoàn vinh dự nhận Giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2020.

“Thủ lĩnh” lính hình sự

Là tấm gương điển hình trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội, gần 10 năm công tác tại Phòng Cảnh sát hình sự, anh Nguyễn Văn Tú đã khẳng định được năng lực, bản lĩnh của mình với nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương trao tặng.

Đại úy  Nguyễn  Văn Tú.  (Ảnh nhân vật cung cấp)
Đại úy Nguyễn Văn Tú. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Chính vì thế, sau khi đảm nhiệm vai trò Bí thư Chi đoàn, anh Tú tích cực phát huy sức trẻ trong các hoạt động của Đoàn. Bằng những cách làm hay, sáng tạo và tinh thần xung kích của tuổi trẻ, anh Tú đã xây dựng nhiều hoạt động, tổ chức các phong trào ý nghĩa. Gắn công tác Đoàn với công tác chuyên môn, hằng năm anh Tú tham mưu cho lãnh đạo đơn vị cắt cử hàng chục lượt chỉ huy cấp đội và hơn 100 lượt cán bộ chiến sĩ tham gia chương trình “Ca tuần tra thanh niên – Tiếp sức mùa thi”, đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn, không để xảy ra các vụ việc vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe của các thí sinh dự thi cũng như người nhà đưa con em đi thi.

Ngoài ra, anh Tú cùng Ban Chấp hành Chi đoàn còn tham mưu và xin chủ trương lãnh đạo đơn vị xây dựng công trình thanh niên “Tuổi trẻ Phòng Cảnh sát hình sự xung kích triệt phá các tụ điểm tệ nạn xã hội, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk”, huy động đoàn viên thanh niên (ĐVTN) ở tất cả các đội tham gia. Theo đó, mỗi khi các đội nghiệp vụ có kế hoạch triệt phá các tụ điểm tệ nạn xã hội, cần tăng cường quân số thì Ban Chấp hành Chi đoàn sẽ căn cứ vào tình hình thực tế để tham mưu cắt cử ĐVTN tham gia và có trách nhiệm phối hợp với các đồng chí chỉ huy để quản lý lực lượng ĐVTN, đảm bảo yêu cầu đặt ra. Với tinh thần xung kích của tuổi trẻ, trong năm 2019, Chi đoàn đã cử hơn 200 lượt ĐVTN tham gia triệt phá 11 tụ điểm tệ nạn xã hội trên địa bàn toàn tỉnh, bắt giữ 156 đối tượng, thu giữ tài sản trị giá hơn 300 triệu đồng để xử lý theo quy định của pháp luật. Ghi nhận những đóng góp ấy, đã có 14 lượt ĐVTN Chi đoàn được lãnh đạo các cấp khen thưởng, trong đó Bộ trưởng Bộ Công an tặng 2 Bằng khen, Chủ tịch UBND tỉnh tặng 2 Bằng khen, Giám đốc Công an tỉnh tặng 10 Giấy khen.

Song hành với các hoạt động chuyên môn, anh Tú cùng Ban Chấp hành Chi đoàn tham mưu, tổ chức các hoạt động tình nguyện, hướng về cộng đồng như: nấu 400 - 600 suất cơm để phát cho các bệnh nhân nghèo mỗi năm; tổ chức các đợt hướng về cơ sở, dọn vệ sinh các khu dân cư, thăm, tặng quà các hộ nghèo, gia đình chính sách. Trong đợt lũ lụt tháng 8-2019, chi đoàn chủ động kêu gọi đơn vị và các mạnh thường quân quyên góp tiền, nhu yếu phẩm có tổng trị giá hơn 115 triệu đồng để kịp thời thăm hỏi, động viên bà con nhân dân ở xã Ia Lốp, huyện Ea Súp và xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn  khắc phục khó khăn.

Thầy giáo giàu sáng kiến

Công tác tại Trường THCS Ngô Mây từ năm 2014 với vai trò là giáo viên Giáo dục thể chất, thầy Mai Văn Chuyền không chỉ học hỏi nâng cao kiến thức chuyên môn, mà còn tham gia viết sáng kiến kinh nghiệm, ý tưởng sáng tạo, tìm ra những phương pháp giảng dạy để học sinh dễ hiểu bài nhất được Hội đồng Khoa học sáng kiến kinh nghiệm của huyện đánh giá cao trong việc ứng dụng vào thực tế.

 
“Những cán bộ Đoàn vinh dự nhận Giải thưởng Lý Tự Trọng đều là những cá nhân xuất sắc được lựa chọn từ cơ sở. Mỗi người đều có những cống hiến khác nhau nhưng điểm nổi bật ở họ là sự sáng tạo vì cộng đồng”.
 
Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Y Lê Pas Tơr

Đến nay thầy Chuyền đã có 8 sáng kiến kinh nghiệm đoạt giải cấp huyện gồm 4 giải A, 2 giải B và 2 giải C. Đơn cử như đề tài “Một số kinh nghiệm để đánh giá thể lực học sinh đạt hiệu quả cao” đã tạo được hồ sơ lưu trữ với độ tin cậy cao, giúp nhiều giáo viên áp dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa các thao tác, có thêm thời gian để đầu tư bài giảng, nâng cao chất lượng giảng dạy. Hay với đề tài “Một số kinh nghiệm để tổ chức dạy học bơi lội có hiệu quả tại Trường THCS Ngô Mây”, thầy Chuyền đã xây dựng nội dung phân phối chương trình dạy học hợp lý, khoa học khi áp dụng việc dạy học môn bơi tại các trường theo nội dung môn thể thao tự chọn. Ngoài việc tham mưu, xây dựng kế hoạch đưa môn bơi lội vào giảng dạy tại Trường THCS Ngô Mây, thầy đã tổ chức tốt các hoạt động phổ cập bơi cho học sinh lớp 5 các trường Tiểu học Bùi Thị Xuân, Tiểu học Huỳnh Thúc Kháng trên địa bàn, thu hút đông đảo học sinh tham gia học và tập luyện bơi lội, nâng dần tỷ lệ học sinh biết bơi và thuần thục kỹ năng bơi lội qua từng năm, hạn chế tình trạng trẻ em đuối nước trên địa bàn.

Thầy Mai Văn Chuyền (thứ hai từ phải sang) cùng các học sinh nhận giải thưởng tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học năm học 2019-2020.  (Ảnh nhân vật cung cấp)
Thầy Mai Văn Chuyền (thứ hai từ phải sang) cùng các học sinh nhận giải thưởng tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học năm học 2019-2020. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Nhận thấy nhiều học sinh yêu thích và có năng khiếu thể dục thể thao, nhưng đa số các trường học trên địa bàn thiếu điều kiện để các em tập luyện, thầy Chuyền đã tham mưu với Ban Giám hiệu nhà trường và chính quyền địa phương xây dựng các mô hình, câu lạc bộ thể dục thể thao như võ thuật, cờ vua, bơi lội… thu hút học sinh tham gia, qua đó tuyên truyền vận động các em xây dựng lối sống lành mạnh, khoa học, xây dựng thói quen tập luyện thể thao hằng ngày. Hiện nay các câu lạc bộ luôn duy trì từ 50-60 thiếu nhi tập luyện thường xuyên. Ngoài ra, từ mùa hè năm 2015, thầy đã chủ động và vận động người thân mở các lớp bồi dưỡng văn hóa miễn phí tại địa phương, mỗi năm thu hút hơn 100 lượt thiếu nhi tham gia.

Anh Phương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.