Multimedia Đọc Báo in

Vùng biên "khát" nước

08:22, 27/05/2020

Nắng hạn kéo dài, mực nước ngầm tụt giảm liên tục khiến người dân các xã vùng biên giới huyện Ea Súp thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng.

Gia đình chị Vi Thị Lệ định cư tại thôn 5, xã Ia R'vê từ năm 2006, được Nhà nước đầu tư giếng khoan tập thể cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hằng ngày. Tuy nhiên, đến tháng 3 năm nay, giếng tập thể cạn nước không thể sử dụng, chị cùng các gia đình trong cụm dân cư phải mang can nhựa đến những nhà còn bơm được nước giếng để xin hoặc xuống Đập 59 cách nhà hơn 3 km lấy nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt cơ bản của gia đình. Vì gia đình còn chăn nuôi heo, gà, vịt nên vợ chồng chị gom góp tiền thuê thợ khoan giếng để tìm nước. Dù đã khoan đến độ sâu 62 m, nhưng giếng này cũng chỉ bơm được 2 lần, mỗi lần khoảng 100 lít nước rồi cạn kiệt hẳn cho đến nay.

Bộ đội Đoàn Kinh tế quốc phòng 737 cung cấp nước sạch cho người dân vùng biên.  Ảnh: Việt Hùng
Bộ đội Đoàn Kinh tế quốc phòng 737 cung cấp nước sạch cho người dân vùng biên. Ảnh: Việt Hùng

Đầu tháng 5, khi Đoàn Kinh tế quốc phòng 737 chở nước đến hỗ trợ cho bà con trong thôn, chị mua ngay một bồn nước nhựa 1.000 lít đặt trước sân để trữ nước cho gia đình mình cùng 3 hộ lân cận sử dụng. Lượng nước hỗ trợ có hạn nên mọi người đều rất dè xẻn, chỉ khi nào thật cần thiết mới dám dùng. Chị Lệ cho hay, gia đình chị có 4 người nhưng mỗi ngày chỉ dùng chưa đến 100 lít nước. Nước rửa tay, rửa rau chị phải để dành lại dùng rửa chén hoặc cho gà, vịt uống. Tắm rửa thì xuống Đập 59 hoặc đến nhà khác tắm nhờ, sinh hoạt thường ngày trở nên bức bối vì thiếu nước. Chị dự tính tiếp tục vay mượn tiền để khoan thêm một giếng nữa, hi vọng tìm được mạch nước phục vụ sinh hoạt và duy trì chăn nuôi vì lo ngại tình trạng thiếu nước sẽ còn kéo dài.

Theo ông Phạm Thanh Toàn, Thôn trưởng thôn 5, hiện có khoảng 50% dân cư với gần 100 hộ trong thôn thiếu nước sinh hoạt khi 2 giếng tập thể cùng nhiều giếng của các gia đình cạn nước suốt hơn hai tháng qua. Bà con phải đi xin nước hoặc chở nước từ Đập 59, Hồ Năng để phục vụ sinh hoạt và nuôi gia súc, gia cầm. Trong điều kiện thời tiết nắng hạn, mực nước hồ, đập đã cạn kiệt và không đảm bảo vệ sinh vì trâu bò thường xuyên đến tắm, uống nước. Nhiều gia đình cũng tự đầu tư giếng khoan mới nhưng có nhà khoan đến hai giếng vẫn không tìm được mạch nước ngầm, hiện chỉ còn cách chờ mưa xuống, bà con trữ lại dùng dần thì tình trạng thiếu nước sinh hoạt mới bớt căng thẳng.

Tại xã Ia Lốp, nhiều hộ dân cũng sống chung với tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Bà Nguyễn Thị Kim Phụng (thôn Án, xã Ia Lốp) có giếng khoan từ năm 2008, nhưng đến tháng 2 năm nay thì cạn kiệt. Bà thuê thợ khoan sâu thêm 15 m nữa vẫn không có nước, đành bỏ giếng này và khoan giếng mới với độ sâu lên đến 61 m mới có nước để dùng. Các hộ lân cận cũng trong tình trạng tương tự nhưng không có tiền khoan giếng mới nên bà phải san sẻ nguồn nước của gia đình cho họ cùng sử dụng. Toàn thôn Án có 104 hộ, nhưng có đến 31 giếng tập thể và giếng của hộ gia đình bị mất nước, không thể sử dụng khiến đời sống của bà con vốn đã khó khăn nay lại chồng thêm khó khăn. Ngoài thôn Án, tình trạng thiếu nước sinh hoạt cũng xuất hiện rải rác ở thôn Của, thôn Đừng, thôn Giồng Trôm, thôn Nhạp… với gần 80 hộ bị ảnh hưởng.

Chị Vi Thị Lệ  mua bồn nhựa  để xin nước từ  Đoàn Kinh tế  quốc phòng 737  cho gia đình mình  và 3 gia đình khác  cùng sử dụng.
Chị Vi Thị Lệ mua bồn nhựa để xin nước từ Đoàn Kinh tế quốc phòng 737 cho gia đình mình và 3 gia đình khác cùng sử dụng.

Ông Trần Quang Trịnh, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Ea Súp nhận định, mùa khô năm nay khắc nghiệt tương đương với mùa khô năm 2016. Hạn hán kéo dài đã gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và sản xuất của người dân vùng biên. Huyện đang tiến hành rà soát số hộ thiếu nước sinh hoạt và tổng diện tích cây trồng bị thiệt hại do thiếu nước tưới. Bước đầu ghi nhận có 387 hộ thiếu nước sinh hoạt ở 4 xã: Ia R'vê, Ia Lốp, Ia J'lơi, Cư Kbang. Trong điều kiện thời tiết hiện nay, việc sụt giảm nước ngầm sẽ vẫn tiếp diễn ít nhất là hơn 1 tháng nữa. Vì vậy, huyện đang tiếp tục khảo sát để có hướng đầu tư thêm giếng khoan mới và sửa chữa, tu bổ các công trình giếng, điểm cấp nước sinh hoạt tập thể tại các khu vực thiếu nước sinh hoạt, giúp bà con vùng biên vượt qua khó khăn do nắng hạn.

        Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.