Multimedia Đọc Báo in

Hỗ trợ người có công bị ảnh hưởng do dịch Covid-19: Kịp thời, công khai, minh bạch

16:00, 12/06/2020

Tính đến đầu tháng 6-2020, các địa phương trong toàn tỉnh đã hoàn thành việc chi trả trợ cấp cho người có công, thân nhân người có công bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Để hiểu rõ hơn về nhiệm vụ đột xuất này, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TRẦN PHÚ HÙNG.

°Việc hỗ trợ người có công bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 trên địa bàn được triển khai như thế nào, thưa ông?

Căn cứ Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg, ngày 24-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và các văn bản hướng dẫn của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 907/QĐ-UBND, ngày 29-4-2020 về kế hoạch triển khai thực hiện các quy trình, thủ tục để hỗ trợ cho người dân; đồng thời, chỉ đạo Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội tham mưu cho UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động rà soát đối tượng, tổng hợp danh sách gửi về Sở để trình UBND tỉnh phê duyệt.

Đối chiếu các điều kiện quy định tại Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Đắk Lắk có hơn 9.700 người có công, thân nhân người có công thuộc diện được hỗ trợ kinh phí do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 với tổng số tiền hỗ trợ hơn 14,5 tỷ đồng.

Đến đầu tháng 6-2020, các địa phương đã hoàn thành việc chi trả trợ cấp cho người có công, thân nhân người có công.

°Có ý kiến cho rằng tiến độ triển khai hỗ trợ người có công trên địa bàn tỉnh vẫn còn chậm, ông có thể nói rõ hơn về việc này?

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội xác định việc thực hiện Nghị quyết số 42 của Chính phủ và Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ là nhiệm vụ chưa có tiền lệ, rất quan trọng, cấp bách và mang ý nghĩa nhân văn, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với người dân nói chung và người có công nói riêng. Do đó, ngay sau khi có chủ trương hỗ trợ người có công bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, Sở đã chủ động tham mưu triển khai thực hiện ngay.

Cán bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Buôn Ma Thuột chi trả hỗ trợ cho người có công  trên địa bàn phường Tân Thành.
Cán bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Buôn Ma Thuột chi trả hỗ trợ cho người có công trên địa bàn phường Tân Thành.

Việc lập danh sách hỗ trợ đối với người có công tương đối thuận lợi so với các nhóm đối tượng còn lại, vì đây là nhóm đối tượng mà các địa phương đã có hồ sơ quản lý, có danh sách và trực tiếp chi trả ưu đãi trợ cấp hằng tháng.

Cơ bản các địa phương đều chi trả trợ cấp cho đối tượng kịp thời, đúng tiến độ theo kế hoạch đề ra. Một số đơn vị đã triển khai thực hiện và chi trả ngay cuối tháng 4-2020 (sau thời điểm ban hành Quyết định số 15 khoảng 1 tuần) như huyện Krông Pắc, Krông Bông… Nhưng cũng có một số địa phương như Ea Súp, Buôn Đôn, TP. Buôn Ma Thuột do địa bàn đi lại khó khăn, đối tượng nhiều nên việc rà soát, đối chiếu danh sách phải kéo dài thời gian dẫn đến tiến độ chậm hơn so với các đơn vị khác. Tuy nhiên, tất cả các địa phương đều cơ bản hoàn thành và đúng tiến độ kế hoạch đề ra.

°Theo ông, làm thế nào để việc hỗ trợ bảo đảm khách quan, minh bạch, đúng đối tượng theo quy định?

Theo Nghị quyết số 42 của Chính phủ và Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ thì người có công, thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp hằng tháng mới được hỗ trợ kinh phí do ảnh hưởng của dịch Covid-19; các đối tượng người có công hưởng trợ cấp một lần, hưởng quyền lợi chính trị thì không được hỗ trợ. Do đó, Sở đã chỉ đạo Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố trên cơ sở hồ sơ người có công đang quản lý tiến hành kiểm tra, rà soát, đối chiếu để lập danh sách những trường hợp đủ điều kiện được hưởng chế độ và gửi danh sách về Sở xem xét, tổng hợp, trình UBND tỉnh phê duyệt.

Trước khi chi trả, các địa phương phải thực hiện việc niêm yết, công khai danh sách những người được hưởng trợ cấp tại trụ sở UBND cấp xã hoặc nơi tổ chức chi trả. Việc chi trả do đội ngũ cán bộ của Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố trực tiếp thực hiện nên sẽ phát hiện kịp thời những sai sót, bất cập.

Để tránh trùng lặp, sai sót, ngoài việc thành lập Ban Chỉ đạo để triển khai thực hiện, Sở đã thành lập tổ chuyên viên giúp việc cho Ban Chỉ đạo. Trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt danh sách, tổ chuyên viên giúp việc có nhiệm vụ rà soát, kiểm tra, đối chiếu danh sách do cơ sở gửi lên với hồ sơ người có công đang quản lý tại Sở nhằm loại bỏ những trường hợp trùng, không đúng đối tượng.

Cùng với đó, hiện nay, Sở đã thành lập đoàn kiểm tra để tiến hành kiểm tra tình hình chi trả trợ cấp cho các đối tượng được hưởng chế độ theo quy định tại 15 huyện, thị xã, thành phố.

°Xin cảm ơn ông!

Quỳnh Anh (thực hiện)

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.