Multimedia Đọc Báo in

Lan tỏa những việc làm tử tế

10:24, 16/06/2020

Thời gian qua, phong trào xung kích tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, an sinh xã hội đã được nhiều đoàn viên thanh niên tích cực tham gia, lan tỏa với những việc làm ý nghĩa, thiết thực.

Chị Bùi Thị Huỳnh Hà (Chi đoàn Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Krông Năng) được biết đến là đoàn viên gương mẫu, đi đầu trong các hoạt động phong trào. Chị đã đứng ra tổ chức và duy trì có hiệu quả chương trình “Nồi cháo yêu thương - Sẻ chia cùng người bệnh”. Chương trình được triển khai vào tháng 8-2015, từ đó đến nay đã có hàng chục nghìn lượt bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Năng được nhận những suất cháo miễn phí bảo đảm dinh dưỡng.

Đều đặn vào sáng chủ nhật hằng tuần, chị cùng các bạn đoàn viên thanh niên nấu và phát khoảng 200 suất cháo đến tận tay các bệnh nhân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại bệnh viện. Ban đầu nguồn kinh phí do đoàn viên thanh niên trong Đội công tác xã hội huyện tự nguyện đóng góp. Tuy nhiên, để chương trình có thể hoạt động thường xuyên và lâu dài, chị Hà đã kêu gọi sự chung tay góp sức từ cộng đồng. Nhờ vậy,  nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm biết đến chương trình và nhiệt tình ủng hộ.

       Chị Bùi Thị  Huỳnh Hà  nấu và phát cháo cho người bệnh tại Bệnh viện  Đa khoa huyện Krông Năng. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Chị Bùi Thị Huỳnh Hà nấu và phát cháo cho người bệnh tại Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Năng. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Hay anh Nguyễn Công Nội (xã Cư Kpô, huyện Krông Búk) cũng là gương thanh niên tiêu biểu trong hoạt động tình nguyện tại địa phương. Hơn 3 năm qua, dù bản thân mắc bệnh ung thư đại tràng giai đoạn cuối nhưng anh đã tổ chức được nhiều lớp học miễn phí cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Nhận thấy việc học tiếng Anh của các em nhỏ trong vùng chưa tốt, đầu năm 2017, anh quyết định mở lớp dạy miễn phí. Thời gian đầu, lớp học chỉ có từ 6-7 em tham gia nhưng với cách dạy “vừa học vừa chơi” dễ hiểu, dễ tiếp thu nên học sinh tìm đến xin học ngày càng đông, có thời điểm lên đến 80 em. Anh Nội còn dành thời gian soạn đề cương, tổ chức ôn tập để củng cố kiến thức cho học trò trước các đợt thi học kỳ.

Không chỉ dạy kiến thức, anh Nội còn chú trọng dạy kỹ năng sống cho các em thông qua việc tổ chức các hoạt động như làm bánh, trang trí thiệp, trồng cây, chơi cầu lông, đá bóng…, qua đó kích thích sự phát triển vận động, tư duy sáng tạo cho trẻ. Để giúp các em nhỏ vùng quê hình thành thói quen đọc sách, anh đã sưu tầm và vận động bạn bè, người thân ủng hộ sách để xây dựng một tủ sách với hơn 1.000 đầu sách các loại. Anh đang ấp ủ ý định xây dựng một thư viện sách và khu vui chơi để phục vụ nhu cầu đọc sách và giải trí cho trẻ em trên địa bàn xã.

Anh Nguyễn Công Nội tổ chức trò chơi cho các em học sinh nghèo. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Anh Nguyễn Công Nội tổ chức trò chơi cho các em học sinh nghèo. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Ngoài chị Hà, anh Nội, nhiều đoàn viên thanh niên khác trên địa bàn tỉnh đã có những cách làm hay, mô hình sáng tạo trong hoạt động tình nguyện, góp phần lan tỏa yêu thương trong cộng đồng. Như chị Dương Thị Tuyết, Chủ nhiệm Câu lạc bộ tình nguyện Nhịp cầu yêu thương (huyện Krông Năng) đã tổ chức các đêm nhạc gây quỹ để hỗ trợ bữa ăn đủ dinh dưỡng và học bổng cho học sinh nghèo hiếu học, vùng khó khăn; chị Trần Thị Kim Ngọc, Phó Bí thư Chi đoàn Phòng Tài nguyên - Môi trường và Quỹ đất huyện Ea H’leo đã vận động xây dựng nguồn quỹ từ thiện để xây dựng nhà ở cho người nghèo, hỗ trợ chi phí chữa bệnh cho những hoàn cảnh khó khăn, tặng quà cho người dân vùng lũ lụt ở các tỉnh; anh Y Khăm Ta Niê, Phó Chủ nhiệm Đội Công tác xã hội tuổi trẻ Ea Súp đã kết nối với các tổ chức thiện nguyện, mạnh thường quân tặng hàng nghìn suất quà cho người nghèo tại địa phương…

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.