Multimedia Đọc Báo in

Lời ru buồn của những bà mẹ trẻ

09:19, 28/06/2020

Dù đã thực hiện nhiều biện pháp ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn nhưng nhiều cuộc hôn nhân của các ông bố, bà mẹ trẻ ở độ tuổi 16, 17 vẫn đang diễn ra ở huyện Krông Búk với bao hệ lụy…

Khi đang là học sinh lớp 10, em H’Nhang Niê (SN 1999), ở buôn Cư Mtao (xã Ea Sin) đã bỏ học để lấy chồng trước sự ngỡ ngàng của gia đình, thầy cô giáo và bạn bè. Năm 2016, H’Nhang sinh con, nhưng suốt mấy năm liền đứa trẻ phải đợi mẹ đủ tuổi mới được làm giấy khai sinh. Trò chuyện với chúng tôi, H’Nhang buồn bã khi nhắc đến chuyện lấy chồng sớm: “Cả hai vợ chồng em đều không có việc làm ổn định, ai thuê gì làm đó. Thu nhập bấp bênh nên bữa đói, bữa no. Con thì hay ốm đau, chậm phát triển, nhân viên y tá xã bảo, do bé sinh thiếu tháng, cơ thể người mẹ chưa trưởng thành”.

Mới 21 tuổi nhưng H'Nhang Niê (xã Ea Sin) đã là mẹ của đứa con 4 tuổi.
Mới 21 tuổi nhưng H'Nhang Niê (xã Ea Sin) đã là mẹ của đứa con 4 tuổi.

Tương tự, em H’Trang Niê cũng ở buôn Cư Mtao (xã Ea Sin) cũng cưới chồng khi mới 17 tuổi. Hiện tại, H’Trang đang mang thai tháng thứ năm nhưng hai vợ chồng vẫn chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn. Lập gia đình ở cái tuổi ăn chưa no lo chưa tới nên cái đói, cái nghèo như “vòng kim cô” trên đầu hai vợ chồng trẻ với bao nỗi lo.

Không riêng xã Ea Sin, tình trạng tảo hôn còn xảy ra ở các xã Cư Kpô, Cư Né… Tất cả các trường hợp lập gia đình sớm đều có chung nguyên nhân là do thiếu hiểu biết, cuộc sống nghèo khó, không có đất sản xuất, không có nhà ở và cùng hệ lụy là tăng thêm gánh nặng cho gia đình, xã hội. Chị H’Cúp Niê, cán bộ chuyên trách công tác dân số xã Cư Né cho hay: “Trung bình mỗi năm ở địa phương có khoảng 9 - 14 trường hợp tảo hôn, phần lớn ở độ tuổi từ 15 - 17, chủ yếu là người dân tộc thiểu số; các em tự tìm hiểu rồi lấy nhau; song cũng có một vài trường hợp do có thai ngoài ý muốn”.

 
Trẻ em được sinh ra từ những cặp vợ chồng tảo hôn rất thiệt thòi vì chưa thể làm được giấy khai sinh, không có thẻ bảo hiểm y tế. Đây là điều rất đáng lo ngại cho việc nâng cao chất lượng dân số, đời sống người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương”.
 
Chủ tịch UBND xã Ea Sin (huyện Krông Búk) Phạm Văn Cháng

Theo thống kê của Trung tâm Y tế huyện Krông Búk, nếu như năm 2015 toàn huyện có 24 cặp tảo hôn thì năm 2019 có tới 29 cặp tảo hôn, chủ yếu ở xã Ea Sin: 11 cặp, Cư Né: 9 cặp, Cư Kpô: 7 cặp… Tuy nhiên con số này vẫn chưa phản ánh đúng thực tế, bởi đa phần các trường hợp tảo hôn vẫn giấu giếm, không đăng ký kết hôn, lặng lẽ về ở với nhau. Nhiều trường hợp đến UBND xã đăng ký kết hôn đã đủ tuổi nhưng thực ra họ đã chung sống như vợ chồng từ nhiều năm trước.

Chị Hoàng Thị Thu Hoài, Trưởng Phòng Dân số huyện cho biết, thời gian qua ngành Dân số đã có nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn, trong đó tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về tác hại của tình trạng tảo hôn trong khối các trường học, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, do quan niệm lạc hậu, trình độ dân trí và ý thức pháp luật của người dân còn hạn chế nên những nỗ lực ấy vẫn chưa thể kéo giảm, đẩy lùi tình trạng tảo hôn. Chính vì vậy, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn vẫn đang là "bài toán khó" mà các cấp chính quyền huyện Krông Búk đang tìm lời giải.

Cán bộ dân số xã Ea Sin (bìa phải) đến tận nhà tuyên truyền tác hại của tảo hôn.
Cán bộ dân số xã Ea Sin (bìa phải) đến tận nhà tuyên truyền tác hại của tảo hôn.

Nhằm đẩy lùi hủ tục tảo hôn vẫn tồn tại và có xu hướng ngày càng tăng, tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế - xã hội ở địa phương, bên cạnh đẩy mạnh công tác thông tin, giáo dục, truyền thông để đồng bào vùng dân tộc thiểu số thay đổi nhận thức, hành động, rất cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành đoàn thể của huyện Krông Búk, như: tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa các trường hợp vi phạm điều kiện kết hôn; gắn trách nhiệm của cá nhân, gia đình và xã hội trong việc thực thi pháp luật; đưa các quy định về hôn nhân vào quy ước, hương ước của thôn, buôn; cung cấp các dịch vụ y tế chất lượng, dễ tiếp cận cho người dân...

Như Quỳnh

 


Ý kiến bạn đọc