Multimedia Đọc Báo in

"Ngân hàng" đặc biệt ở Trung tâm Y tế huyện M'Đrắk

08:50, 16/06/2020

Từ năm 2006, Trung tâm Y tế huyện M’Đrắk đã thành lập “Ngân hàng máu sống” gồm 25 thành viên là cán bộ, y bác sĩ và nhân viên trong đơn vị. Sẵn sàng hiến máu cứu sống bệnh nhân trong lúc nguy kịch, các thành viên ngân hàng đặc biệt này đã kịp thời cứu hàng chục bệnh nhân thoát khỏi lưỡi hái tử thần.

Bình quân mỗi ngày Trung tâm Y tế huyện M’Đrắk tiếp nhận, khám, điều trị và cấp cứu khoảng 290 ca bệnh; trong đó, rất nhiều ca cấp cứu, ca bệnh nặng cần được truyền máu mà nguồn máu dự trữ tại Trung tâm thường không đủ đáp ứng cho nhu cầu điều trị. Hơn nữa, huyện M’Đrắk cách trung tâm TP. Buôn Ma Thuột và TP. Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) cả trăm cây số, việc chuyển bệnh nhân lên tuyến trên hoặc vận chuyển máu về truyền cấp cứu cũng phải mất từ 2 - 3 giờ mà tính mạng của bệnh nhân lại tính từng phút, từng giây. 

Mẹ con chị Giàng Thị Cá ở thôn Ea Krông (xã Cư San) nhờ được truyền máu kịp thời  đã
Mẹ con chị Giàng Thị Cá ở thôn Ea Krông (xã Cư San) nhờ được truyền máu kịp thời đã "mẹ tròn, con vuông".

Bà Lê Thị Thủy, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện M’Đrắk cho biết: “Có những ca bệnh mất máu nhiều, nếu không được truyền máu kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng, nhất là ca bệnh gặp nhóm máu hiếm. Vì vậy, việc duy trì “Ngân hàng máu sống” của Trung tâm có ý nghĩa sống còn đối với nhiều bệnh nhân cấp cứu. Điều đáng mừng là các cán bộ, y bác sĩ của Trung tâm luôn hưởng ứng, sẵn sàng hiến máu cứu người khi cần kíp”.

Từ 25 thành viên ban đầu, đến nay “Ngân hàng máu sống” của Trung tâm Y tế huyện M’Đrắk đã có 34 thành viên. Trong đó, có nhiều thành viên đã hiến máu từ hai lần trở lên như các y, bác sĩ: Hồ Thị Thu, Bùi Văn Cường, Nguyễn Thị Thủy, Nguyễn Văn Ngọc… Tính đến nay, các thành viên “Ngân hàng máu sống” Trung tâm Y tế huyện M’Đrắk đã hiến 35 đơn vị máu cho những trường hợp cấp cứu, kịp thời cứu sống hàng chục bệnh nhân.

Anh Nguyễn Trọng Pháp là thành viên tích cực của
Anh Nguyễn Trọng Pháp là thành viên tích cực của "Ngân hàng máu sống" Trung tâm Y tế huyện M'Đrắk.

Như trường hợp chị Giàng Thị Cá, ở thôn Ea Krông (xã Cư San) sau khi sinh con bị băng huyết, tính mạng rất nguy kịch. Trong lúc nguy cấp, nữ hộ sinh Khoa Ngoại sản Nguyễn Thị Thủy, thành viên “Ngân hàng máu sống” Trung tâm Y tế huyện M’Đrắk đã kịp thời hiến máu nên mẹ con chị Cá được cứu sống. Anh Lý Seo Diệu (chồng chị Cá) cảm kích: “Nhờ được các y, bác sĩ truyền máu kịp thời, vợ con tôi như được sinh ra lần thứ hai. Gia đình tôi rất biết ơn các thành viên của "Ngân hàng máu sống" Trung tâm Y tế huyện”.

Hay trường hợp bệnh nhân Nguyễn Cao Cường (ở thôn 2, xã Krông Á) mắc bệnh ung thư máu, trong thời gian điều trị tại Trung tâm Y tế huyện M’Đrắk, đã được các thành viên “Ngân hàng máu sống” của Trung tâm kịp thời truyền máu thoát khỏi cơn nguy kịch. Chị Nguyễn Ngọc Kim Thúy (vợ anh Cường) xúc động: “Anh Cường bị bệnh hiểm nghèo, thiếu máu trầm trọng. Nhờ các y, bác sĩ Trung tâm Y tế huyện cho máu kịp thời mới giữ được tính mạng”. 

Tiến Ninh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.