Multimedia Đọc Báo in

Tác nghiệp mùa dịch Covid-19 - những trải nghiệm khó quên

08:33, 19/06/2020

Làm báo - chúng tôi đã quen và luôn sẵn sàng với những tình huống bất ngờ, nhưng quả thật, đại dịch Covid-19 vừa qua vượt qua dự đoán của nhiều người, trong đó có phóng viên, nhà báo.

Không chỉ áp lực về tin, bài mà nguy cơ phơi nhiễm lúc nào cũng thường trực khi tác nghiệp mùa dịch. Áp lực tăng cao khi “lệnh” giãn cách xã hội siết chặt hơn. Làm thế nào để bảo đảm tin, bài theo quy định của Tòa soạn, để không "lọt, sót" sự kiện thuộc lĩnh vực, địa phương được phân công phụ trách mà vẫn chấp hành nghiêm quy định giãn cách xã hội là điều không phải phóng viên nào cũng đáp ứng được. Không ít chuyện “dở khóc, dở cười” khi tác nghiệp trong mùa dịch Covid-19 đã xảy ra, song đó là những trải nghiệm thật quý giá đối với các phóng viên, nhất là phóng viên trẻ cả tuổi đời và tuổi nghề.

Phóng viên tác nghiệp về công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại chung cư Hoàng Anh Gia Lai  (TP. Buôn Ma Thuột).   Ảnh: Kim Bảo
Phóng viên tác nghiệp về công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại chung cư Hoàng Anh Gia Lai (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Kim Bảo

Cộng tác viên (CTV) Thùy Linh làm việc tại Tòa soạn Báo Đắk Lắk chia sẻ: “Vượt qua nỗi sợ dịch bệnh, được tác nghiệp và tiếp cận nơi tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19 với tôi là trải nghiệm khó quên”. Đó là lần tác nghiệp tại Khu cách ly tập trung của tỉnh (đường Hà Huy Tập, TP. Buôn Ma Thuột) để thực hiện phóng sự ảnh và phản ánh công tác giám sát, cách ly y tế, phòng chống dịch Covid-19. Dẫu đã thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch trước khi gặp gỡ một số công dân ở đây, song cảm giác lo sợ chợt thoáng đến. “Nếu không gặp gỡ công dân đang cách ly sẽ không có hình ảnh, không có thông tin. Thế là mấy anh chị em phóng viên đều phải mặc trang phục phòng hộ khi tác nghiệp”, CTV Thùy Linh nhớ lại. 

Hay như lần cùng Đoàn kiểm tra liên ngành của TP. Buôn Ma Thuột tiến hành kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Chợ đầu mối Tân Hòa (phường Tân Hòa) từ lúc 9 giờ tối cho đến khoảng 1 giờ sáng hôm sau mới kết thúc. “Tác nghiệp mùa dịch về sẽ bị nhiều người kỳ thị đó! Lời nói đùa mà thành thật, bởi ai cũng có tâm lý sợ dịch bệnh, dù phóng viên tuân thủ nghiêm các quy định về phòng chống dịch bệnh”, CTV Thùy Linh trò chuyện.

CTV Thùy Dung (bìa phải) cùng các tình nguyện viên tặng quà trong mùa dịch Covid-19. Ảnh: T.Dung
CTV Thùy Dung (bìa phải) đang tác nghiệp tại huyện Ea Súp trong mùa dịch Covid-19. Ảnh: T.Dung

Còn với CTV Thùy Dung làm việc tại Tòa soạn: "Giai đoạn cao điểm của dịch bệnh, hầu hết thông tin, phỏng vấn tôi đều thực hiện qua điện thoại, Zalo, Facebook…, rất hiếm khi được gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với nguồn tin". Việc liên hệ lấy thông tin trong mùa dịch đối với phóng viên trẻ là “nan giải”; không ít lần CTV Thùy Dung bị “từ chối khéo” bằng lời động viên, thăm hỏi, như: Làm báo phải đi nhiều, thế lâu nay phóng viên đã đi những đâu? Có biểu hiện sốt, ho gì không? “Sự quan tâm này khiến tôi tủi thân, pha chút chạnh lòng, song cảm giác ấy qua đi nhanh chóng. Tôi tự nhủ: đó là tinh thần trách nhiệm chung để dịch bệnh không lây lan cộng đồng”, CTV Thùy Dung trải lòng. 

Bên cạnh chuyện “kém vui”, khi tác nghiệp trong mùa dịch bệnh có không ít hành động, nghĩa cử đã làm ấm lòng người cầm bút. Chuyện là, trước thời gian thực hiện giãn cách xã hội có nhiều hội nhóm tặng người dân khẩu trang vải, nước rửa tay…, CTV Thùy Dung cùng một nhóm thiện nguyện vượt hơn 100 km bằng xe máy trực tiếp đến từng gia đình khó khăn của xã Ia Lốp (huyện Ea Súp) tặng gạo, khẩu trang và 200 chai nước rửa tay kháng khuẩn phòng, chống dịch bệnh. Trong lúc tác nghiệp, chiếc khẩu trang của CTV Thùy Dung bị đứt dây đeo, cuốn theo gió bụi miền biên ải. “Đang loay hoay không biết xoay xở thế nào, thì một phụ nữ ở thôn Đóng (xã Ia Lốp) không ngần ngại đưa chiếc khẩu trang vừa được tặng cho tôi cùng lời động viên: khẩu trang vải cô đang dùng có thể giặt để sử dụng lại, còn cháu phải đi nhiều, tiếp xúc nhiều người, cần dùng hơn cô”, CTV Thùy Dung xúc động kể.

Với phóng viên làm video clip, phải đi đến tận nơi để ghi hình, phỏng vấn và thường làm việc theo nhóm (từ 2 - 3 người) thì việc tác nghiệp mùa dịch gian nan bội phần. Hôm ấy, chúng tôi hẹn với lãnh đạo một địa phương cách TP. Buôn  Ma Thuột chừng 80 km để phản ánh công tác phòng, chống dịch bệnh. Khi đến nơi, thấy nhóm phóng viên có đến 3 người, với lách cách trang thiết bị, máy móc, cán bộ lãnh đạo ấy có phần e ngại sợ vi phạm quy định về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Cho dù ê kíp phóng viên chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống lây nhiễm bệnh như: đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, ngồi giãn cách, thực hiện giám sát về y tế và cam kết là không thành viên nào bị ho, sốt…, song cũng đành phải chia nhỏ nhóm ra tác nghiệp.

Trong cuộc đời làm báo, không phải bất kỳ phóng viên nào cũng có dịp được trải nghiệm, được sống với nghề như thế. Đại dịch Covid-19 làm thay đổi thế giới buộc mọi người cũng phải thay đổi cách sống, cách làm việc, suy nghĩ của mình và phóng viên, nhà báo không nằm ngoài guồng quay ấy.

Điều này cũng dễ dàng cảm thông bởi ai cũng lo cho sức khỏe của mình, của gia đình và cộng đồng, chưa kể trách nhiệm chấp hành khi cả xã hội thực hiện nghiêm giãn cách xã hội. Ngay bản thân phóng viên, nhà báo cũng có tâm lý lo sợ khi làm việc mùa dịch, bởi thực tế đã có nhà báo bị nhiễm Covid-19 khi tác nghiệp. Vì vậy, một đồng nghiệp của chúng tôi từng trải lòng: chả có nghề nào “trái ngang như nghề báo”, khi hằng ngày tuyên truyền người dân hạn chế ra khỏi nhà, còn bản thân thì lao ra đường bất kể đêm hôm, thời tiết nắng nóng để đồng hành cùng cơ quan chức năng truyền tải nhanh, minh bạch, đầy đủ các thông tin về dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch.

Báo chí luôn đồng hành cùng các lực lượng chức năng của tỉnh trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Báo chí luôn đồng hành cùng các lực lượng chức năng của tỉnh trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Dịch Covid-19 được khống chế, công việc của các nhà báo trở lại nhịp bình thường. Nhìn lại khoảng thời gian tác nghiệp mùa dịch vừa qua, mỗi chúng tôi có những cảm xúc đặc biệt khác nhau. Đại dịch Covid-19 là thách thức song cũng là dịp để từng phóng viên, nhà báo thể hiện bản lĩnh, chuyên môn của người làm báo, góp phần lan tỏa những thông điệp quan trọng của Đảng, Nhà nước, định hướng dư luận, chia sẻ kiến thức phòng chống dịch phù hợp cho cộng đồng, góp phần vào thành công chiến thắng dịch bệnh của đất nước. 

Nguyên Hoa - Song Thùy


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.