Tiếp sức cho phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế
Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Cư Kuin hiện có 17.628 hội viên tham gia sinh hoạt tại 113 chi hội thôn, buôn; trong đó có gần 8.530 hội viên là người dân tộc thiểu số (DTTS), phần lớn chị em có cuộc sống khó khăn.
Để tạo điều kiện cho hội viên, nhất là hội viên DTTS phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, thời gian qua Hội LHPN huyện đã triển khai nhiều hoạt động giúp hội viên, phụ nữ xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp, hiệu quả.
Giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Cư Kuin. Ảnh: Vân Anh |
Cụ thể, trong năm 2019, Hội LHPN huyện đã trao vốn khởi nghiệp cho 16 hội viên với số tiền 223 triệu đồng; phối hợp tuyên truyền, tư vấn nghề nghiệp và giới thiệu việc làm cho hội viên; tổ chức 15 buổi tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, hướng dẫn hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao giá trị kinh tế; mở 3 lớp dạy nghề may mặc dân dụng cho hội viên ở buôn K’niết (xã Ea Ktur) và buôn Cư Nao (xã Hòa Hiệp), buôn Pưk Rông (xã Ea Ning).
Bên cạnh đó, Hội còn nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện gần 79 tỷ đồng cho hội viên vay vốn phát triển kinh tế gia đình. Ngoài ra, Hội còn phát động hội viên duy trì thực hiện hiệu quả phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, qua đó thành lập được 273 tổ, nhóm phụ nữ tiết kiệm với số tiền 5 tỷ đồng, 12 mô hình "heo đất tiết kiệm", 20 mô hình “hũ gạo tiết kiệm”, vận động quyên góp được 35 triệu đồng và gần 6,5 tạ gạo hỗ trợ cho hội viên vay vốn phát triển sản xuất. Trong năm 2019, tổng nguồn vốn huy động tiết kiệm trong cán bộ, hội viên phụ nữ đạt gần 3,5 tỷ đồng, qua đó đã có trên 1.000 lượt hội viên DTTS được vay để phát triển kinh tế gia đình.
Nhờ sự tiếp sức thiết thực của Hội LHPN huyện, nhiều hội viên DTTS đã có điều kiện đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế, thu nhập ngày càng được cải thiện. Như chị H’Tiên Bdap (ở buôn Ciết, xã Ea Tiêu) năm 2016 được Chi hội phụ nữ buôn và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 20 triệu đồng và được tham gia các lớp tập huấn chăn nuôi và trồng trọt do xã tổ chức. Từ nguồn vốn vay và kiến thức tích lũy được, chị H’Tiên đã mạnh dạn đầu tư cải tạo 5 sào cà phê và chăn nuôi. Đến nay, vườn cà phê đã cho thu hoạch, đàn bò phát triển lên 3 con, chị còn nuôi thêm 100 con gà thịt, 2 con heo nái và 10 con heo thịt, thu nhập của gia đình chị ngày càng ổn định, đạt gần 200 triệu đồng/năm sau khi đã trừ chi phí.
Hay như gia đình chị H’Gun Byă ở buôn Ea Khít (xã Ea Bhốk) là một điển hình phụ nữ phát triển kinh tế từ hỗ trợ trong phong trào khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Trước đây, gia đình chị H’Gun thuộc diện hộ nghèo của xã, thu nhập chỉ trông vào 3 sào cà phê già cỗi. Chị phải làm thuê đủ mọi việc nhưng cuộc sống vẫn thiếu trước hụt sau. Cuối năm 2017, được Hội LHPN huyện hỗ trợ 4 triệu đồng cùng với 30 triệu đồng vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, chị H’Gun đầu tư mở quán giải khát nhỏ, mỗi tháng mang lại thu nhập gần 6 triệu đồng. Từ nguồn thu nhập này, chị tích lũy vốn và đến nay gia đình chị mở thêm được xưởng mộc và cơ khí, cuộc sống được cải thiện rõ rệt.
Mỹ Hằng
Ý kiến bạn đọc