Multimedia Đọc Báo in

Vẹn nguyên như thuở yêu đầu

14:00, 07/06/2020

Để giữ trọn hạnh phúc, hai người lính bước ra từ chiến tranh đã phải đi qua muôn vàn khó khăn, thử thách. Tình yêu của ông bà bắt đầu thật nhẹ nhàng, giản đơn, nhưng cũng rất mãnh liệt và đậm sâu nghĩa tình…

Căn nhà nhỏ của vợ chồng Đại tá Nguyễn Ngọc Miên (nguyên Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) nằm cạnh khu chợ ồn ào, đông đúc. Khác với khung cảnh xô bồ bên ngoài, bà Đỗ Thị Loan – vợ ông luôn giữ cho không gian căn nhà đủ tĩnh lặng để ông nghỉ ngơi, dưỡng bệnh. Mỗi ngày, bà vẫn thủ thỉ chuyện trò với chồng, dù nhiều năm qua ông không thể đáp lại vì căn bệnh teo não.

45 năm về trước, ông bà quen nhau thông qua người mai mối. Năm 1975, chàng trai Nguyễn Ngọc Miên đang công tác tại Tỉnh đội Đắk Lắk, được đơn vị tạo điều kiện đi điều trị bệnh, rồi về quê Thanh Miện (Hải Dương) nghỉ phép. Còn cô gái Đỗ Thị Loan, sau 4 năm làm nhiệm vụ tại đơn vị huấn luyện Quân khu 4 đã phục viên về lại quê hương. Cùng bước ra từ chiến trường nên hai trái tim trẻ dễ tìm thấy sự đồng điệu trong tâm hồn, cách sống. Việc ở cùng thôn An Nghiệp (xã Tứ Cường) lại càng tạo điều kiện để họ xích gần nhau hơn.

Bà Loan thủ thỉ chuyện trò,  chăm sóc chồng.
Bà Loan thủ thỉ chuyện trò, chăm sóc chồng.

Ba tháng tìm hiểu chóng vánh trôi, ông bà tiến đến hôn nhân trong niềm vui chung của gia đình, làng xóm. Bà Loan chân thành cho biết, thời gian quen nhau quá vội, nên nếu nói yêu nhau thì chưa phải lắm. Nhưng những ấn tượng ban đầu về người chiến sĩ chín chắn, đĩnh đạc, lễ phép đã dần chinh phục được trái tim cô gái trẻ.

Đám cưới được một tháng, ông rời quê, vào lại Đắk Lắk tiếp tục nhiệm vụ. Hai vợ chồng, hai phương trời biền biệt, chỉ thỉnh thoảng mới gặp được nhau. Khoảng ba năm sau, bà cùng người con đầu mới có điều kiện chuyển vào Tây Nguyên sinh sống. Cả gia đình ở chung trong khu tập thể, ông thường xuyên công tác, học tập, bà vừa trông con nhỏ, vừa lo thêm nương rẫy, nuôi heo gà để có thêm kinh phí trang trải chi phí sinh hoạt. Hơn ai hết, bà thấu hiểu công việc của người lính, nên luôn cố gắng chu toàn để ông yên tâm thực hiện nhiệm vụ. Còn với ông, tranh thủ thời gian rảnh lại tất tả cùng bà vun đắp thêm cho cuộc sống bớt bộn bề khó khăn, thiếu thốn.

Sau này, bà xin vào làm nhân viên tài vụ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Vợ chồng bà có thêm những người con xinh xắn, đáng yêu. Chấp nhận thiệt thòi về mình, bà chắt chiu dành dụm để chồng và các con có điều kiện học hành tới nơi tới chốn. Cả 3 người con của ông bà đều học cao, thành đạt, có gia đình riêng và sinh sống, lập nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh.

Những tưởng tuổi già được an nhàn hưởng thụ, nhưng khi ông Miên về hưu không bao lâu thì mắc bệnh nhớ nhớ quên quên, khiến vợ chồng phải dìu dắt nhau khám bệnh từ Nam ra Bắc. Do không có thuốc đặc trị nên căn bệnh teo não khiến sức khỏe ông giảm sút theo thời gian. Ông mất trí nhớ dần, rồi không còn tự chủ được việc ăn uống, phải có người bón; đến năm 2012 thì không thể đi và nói được nữa, mọi sinh hoạt, vệ sinh cá nhân đều phải có người túc trực, hỗ trợ. Các con ở xa, một mình bà đồng hành cùng chồng vượt qua mọi giai đoạn khó khăn của bệnh tật. Gắng cải thiện sức khỏe cho chồng, bà đưa ông về lại quê, sau đó vào TP. Hồ Chí Minh cùng các con, nhưng có vẻ như ông chỉ hợp với khí hậu Đắk Lắk nên lại quay về. Dù nằm một chỗ, nhưng nhờ được chăm sóc chu đáo, ăn uống đủ đầy nên da dẻ ông Miên vẫn hồng hào, khỏe khoắn.

Những năm gần đây, sức khỏe của bà yếu hơn, lại mắc bệnh tim, nên việc chăm ông phải nhờ người hỗ trợ. Bà Loan bộc bạch: “Cũng lắm lúc mệt mỏi, xuống sức, nhưng cứ nghĩ đến những tháng ngày đã qua, tôi càng trân trọng hiện tại. Ông là một người rất yêu thương vợ con, mỗi lần đi làm về, chưa thấy ông đâu đã nghe tiếng cười nói. Dù bận bịu cả núi công việc, nhưng về nhà ông ấy lại lao vào phụ vợ lo mọi việc trong gia đình. Bởi vậy nên giờ đây, dù mệt nhọc thế nào chăng nữa thì ít ra chúng tôi vẫn còn được bên nhau, vẫn còn có người bầu bạn…”.

Suốt cuộc đời gắn bó, chẳng có kỷ vật nào gắn liền với hai người. Không một tấm ảnh cưới, hay bức thư tình nào, nhưng điều bà nhận được là cả biển trời yêu thương – thứ mà không món quà nào thay thế được. Xoa nắn tay cho chồng, bà bảo, thời xưa cuộc sống khó khăn lắm, nên chẳng dám đòi hỏi gì nhiều, chỉ cần được ở cạnh nhau đã là niềm hạnh phúc. Và cho đến bây giờ, vẫn còn được nhìn thấy nhau mỗi ngày cũng là niềm hạnh phúc...

Song Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.