Giúp trẻ tự bảo vệ trước nguy cơ bị xâm hại
Vừa qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Tỉnh Đoàn tổ chức chương trình “Truyền thông Tổng đài 111 và nói không với xâm hại tình dục trẻ em” cho học sinh trên địa bàn tỉnh. Qua 3 đợt tổ chức chương trình do Nhà Văn hóa thanh thiếu nhi tỉnh thực hiện, hàng trăm học sinh được cung cấp những kiến thức, kỹ năng giúp các em có thể chủ động bảo vệ mình và có ứng xử phù hợp trong những tình huống khi bị xâm hại…
Một trong những nội dung đáng lưu ý của chương trình là giáo dục sự đa dạng giới tính cho trẻ. Cụ thể, ngoài giới tính nam và nữ, các em còn được chia sẻ kiến thức và tìm hiểu về LGBT. Đây là tên chính thức của một cộng đồng những người có giới tính đặc biệt bao gồm đồng tính nữ (Lesbian), đồng tính nam (Gay), song tính (Bisexual) và chuyển giới (Transgender), họ có sự hấp dẫn tình yêu và tình dục với những người cùng giới tính.
Ông Trần Ngọc Nhân, cán bộ Phòng Bảo trợ xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) cho hay, vấn đề về LGBT đã xuất hiện từ rất lâu, nhưng nhiều người cho rằng điều này đi ngược lại tự nhiên cho nên rất ngại nói, sợ nhạy cảm, sợ đụng chạm và cấm đoán. Nhưng trên thực tế, nó hết sức tự nhiên và là một phần của cuộc sống, cần phải thừa nhận và nói rõ. Thời gian qua, những người trong cộng đồng LGBT rất khổ tâm, đôi khi bị trầm cảm do thiếu sự chia sẻ từ chính những người thân, sẽ thuộc đối tượng dễ bị xâm hại. Vì vậy, cần giới thiệu LGBT cho các em, thậm chí là những em chưa đến tuổi dậy thì biết, hiểu và có cách ứng xử phù hợp.
Ông Trần Ngọc Nhân chia sẻ những kiến thức về giới tính cho học sinh. |
Rõ ràng, khi hiểu rõ về giới tính của bản thân, các em sẽ yêu cơ thể mình hơn, nhận ra được những thay đổi tâm sinh lý. Hiện nay, ngay từ lứa tuổi 10 - 12, có khi còn sớm hơn, nhiều em đã bắt đầu quan tâm đến một số vấn đề của đời sống tình dục, mối quan hệ yêu đương thầm kín như người lớn, đôi khi còn bắt chước hoặc thể nghiệm những cảm xúc của chính mình nên rất dễ bị lạm dụng, dẫn đến nguy cơ bị xâm hại cao. Do đó, việc giáo dục đa dạng giới tính cho các em là rất cần thiết, nhằm đảm bảo sự phát triển lành mạnh về thể chất và tinh thần. Với cách truyền đạt khéo léo, những kiến thức từ chương trình được các em tiếp nhận một cách tự nhiên, những chỗ chưa hiểu các em mạnh dạn hỏi lại và được giải thích cặn kẽ trên cơ sở khoa học nhưng vẫn nhẹ nhàng, phù hợp với lứa tuổi, dễ tiếp thu.
Bà Nguyễn Thị Thúy Hiền, Phó Giám đốc Nhà Văn hóa thanh thiếu nhi tỉnh chia sẻ, ngoài những kiến thức lý thuyết, chương trình đã xây dựng những tình huống nguy hiểm giả định để các em có thể định hướng, thể hiện tư duy, cách ứng xử; sau đó sẽ hướng dẫn cách phòng, chống cũng như xử lý tốt nhất khi gặp phải trường hợp tương tự. Bởi hiện nay, xâm hại tình dục có thể xảy ra ở bất cứ đâu, với bất kỳ trường hợp nào… Vì vậy, trang bị kiến thức, kỹ năng chính là “lá chắn” đầu tiên để giúp các em phòng, chống bị xâm hại.
Bà Nguyễn Thị Thúy Hiền trao đổi với học sinh những kiến thức về xã hội. |
Trong chương trình, các em được giới thiệu về Tổng đài 111 - Tổng đài kết nối trên cả nước để tiếp nhận tất cả các thông tin tố giác hành vi xâm hại, bạo hành trẻ em, giúp các em nhận được sự hỗ trợ cần thiết để bảo vệ sự an toàn cho chính mình. Trước đó, Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đã chính thức công bố ứng dụng bảo vệ trẻ em "Tổng đài 111" trên hai nền tảng điện thoại thông dụng IOS và Android, cho phép báo cáo, phản hồi về các trường hợp nghi vấn xâm hại trẻ em, đồng thời hỗ trợ công tác nghiên cứu, xây dựng hệ thống thông tin trong các hoạt động liên quan tới bảo vệ trẻ em. Bên cạnh đó, kho thư viện tài liệu cũng được xây dựng tại đây nhằm giới thiệu các thông tin cơ bản về quyền trẻ em, kỹ năng giáo dục an toàn cho trẻ em.
Qua những chương trình như trên, tin rằng các em không chỉ biết chủ động bảo vệ bản thân mà còn tích cực tuyên truyền đến bạn bè, người thân biết thêm về Tổng đài 111, nhận biết các hành vi xâm hại, cách phòng tránh và tự bảo vệ mình khi rơi vào tình huống nguy hiểm.
Mai Ngọc
Ý kiến bạn đọc