Multimedia Đọc Báo in

Lá cờ đầu trong công tác dân số ở huyện Cư Kuin

10:19, 12/07/2020

Ea Ning là xã thuần nông thuộc huyện Cư Kuin. Toàn xã hiện có 2.880 hộ với gần 12.200 nhân khẩu, có 10 dân tộc anh em sinh sống ở 17 thôn, buôn; trình độ dân trí không đồng đều.

Trong những năm qua, bằng những giải pháp phù hợp và cách làm hiệu quả nên công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) ở xã Ea Ning đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần cải thiện chất lượng dân số và nâng cao đời sống của người dân.

Hằng năm, Đảng ủy và chính quyền xã Ea Ning luôn quan tâm chỉ đạo các chi bộ, ban tự quản và các ban ngành, đoàn thể... chú trọng thực hiện các hoạt động về dân số và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Xã cũng kiện toàn Ban chỉ đạo công tác dân số (với 1 trưởng ban là Phó Chủ tịch UBND xã, 2 phó ban và các thành viên là trưởng các ngành, đoàn thể và đội ngũ cộng tác viên dân số) gắn với việc phân công trách nhiệm cụ thể cho từng bộ phận, từng thành viên. Bà Đinh Thị Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo công tác dân số xã Ea Ning cho biết: “Việc thực hiện chính sách dân số được xác định là một mục tiêu trong xây dựng nông thôn mới. Trên cơ sở nghị quyết của Đảng ủy, UBND xã đã chỉ đạo Ban Dân số giao chỉ tiêu cho các thôn, buôn. Đồng thời, xây dựng thêm chuyên đề riêng tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh về công tác dân số - KHHGĐ”.

Cán bộ chuyên trách dân số xã Ea Ning (bìa phải) vận động người dân thực hiện kế hoạch hóa gia đinh.
Cán bộ chuyên trách dân số xã Ea Ning (bìa phải) vận động người dân thực hiện kế hoạch hóa gia đinh.

Để nâng cao ý thức của người dân về công tác dân số, hằng năm Ban Dân số xã Ea Ning đã chủ động phối hợp với Đoàn xã, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, ban tự quản các thôn, buôn... lồng ghép truyên truyền Luật Hôn nhân và Gia đình, Bình đẳng giới và các chủ trương, chính sách về dân số. Tổ chức họp nhóm, nói chuyện chuyên đề về sàng lọc trước sinh và sơ sinh, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên/thanh niên, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh... Đặc biệt, cán bộ dân số xã và 27 cộng tác viên dân số thôn, buôn thường xuyên “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để tư vấn về hệ lụy của tảo hôn và sinh đông con, hậu quả của mất cân bằng giới tính khi sinh; kịp thời cung cấp phương tiện tránh thai cho đối tượng có nhu cầu; vận động người dân tham gia sàng lọc trước sinh và sơ sinh, nam, nữ thanh niên khám sức khỏe tiền hôn nhân...

Nhờ vậy, hằng năm các chỉ tiêu về dân số luôn đạt và vượt kế hoạch được giao. Trong năm 2019, toàn xã có 6 ca đình sản (đạt 150% kế hoạch giao); 112 ca đặt vòng tránh thai (đạt 109,8% kế hoạch); tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại chiếm 68%; tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên giảm còn 12,6% (thấp hơn 2,4% so với bộ tiêu chí quốc gia về y tế, thấp hơn 1% so với mặt bằng chung của tỉnh Đắk Lắk); có 40 phụ nữ mang thai sàng lọc trước sinh và 39 em bé được sàng lọc sơ sinh.

Cộng tác viên dân số xã Ea Ning (bìa trái) vận động người dân không lựa chọn giới tính thai nhi.
Cộng tác viên dân số xã Ea Ning (bìa trái) vận động người dân không lựa chọn giới tính thai nhi.

Điều đáng nói là tư tưởng sinh đông con cho “vui cửa, vui nhà” hay “phải có con trai và con gái”... không còn tồn tại trong nhận thức của người dân; thay vào đó, mô hình “mỗi cặp vợ chồng sinh 2 con” được đông đảo người dân đồng tình hưởng ứng.

Như trường hợp của vợ chồng anh Lê Ngọc Hà (thôn 8) dù sinh con một bề (2 con gái) nhưng gia đình luôn sống vui vẻ, hạnh phúc đủ đầy. Anh Hà là con trai trưởng trong gia đình, nên khi vợ sinh 2 con gái, đã có rất nhiều lời khuyên vợ chồng anh sinh thêm để có con trai “nối dõi tông đường”. Thế nhưng anh Hà vẫn quyết định thực hiện kế hoạch hóa gia đình; vợ chồng tập trung lao động và phát triển kinh tế, chăm sóc các con ăn học.

Tương tự, vợ chồng chị Lương Thị Quyên (thôn 14) cũng là tấm gương điển hình với việc chỉ dừng lại ở 2 con để nuôi dạy cho tốt. Chị Quyên còn chủ động thực hiện sàng lọc trước sinh và sơ sinh cho con để các con phát triển khỏe mạnh bình thường.

Xã Ea Ning luôn dẫn đầu trong 8 xã của huyện Cư Kuin về công tác dân số suốt 3 năm liền (2017 - 2019). Thành công của công tác dân số ở xã Ea Ning đã góp phần quan trọng vào việc duy trì xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 3,21%...

Võ Thảo


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.