Multimedia Đọc Báo in

Tiếp sức phụ nữ khởi nghiệp

08:19, 21/07/2020

Từ chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện, hàng trăm chị em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Krông Ana đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc.

Nhiều hoạt động hỗ trợ

Cuối năm 2017, sau khi lên ý tưởng khởi nghiệp và trình bày dự án mang tính khả thi cao, chị Nguyễn Thị Ninh (thôn Hải Châu, xã Bình Hòa) được Hội LHPN huyện Krông Ana và Hội LHPN xã hỗ trợ vay 40 triệu đồng để khởi nghiệp, trong đó có 30 triệu đồng vay tín chấp từ Ngân hàng Chính sách xã hội, 10 triệu đồng được Hội Phụ nữ Công an huyện hỗ trợ vay 2 năm không tính lãi.

Có vốn, chị Ninh thuê một căn nhà ngay mặt đường trung tâm xã để mở điểm thu mua phế liệu. Ngoài việc thu mua, học hỏi kinh nghiệm từ các cơ sở khác, vợ chồng chị Ninh còn tìm cách liên kết với các vựa thu mua phế liệu lớn để nhập hàng. Hiện tại, điểm thu mua của gia đình chị Ninh đã đi vào hoạt động ổn định, cho thu nhập từ 7-10 triệu đồng/người/tháng.

Từ một hộ có điều kiện kinh tế rất khó khăn, sau hơn 2 năm khởi nghiệp, đến nay, gia đình chị đã thoát nghèo, trả hết nợ, đầu năm 2020 còn xây được ngôi nhà khang trang trị giá hơn 500 triệu đồng. Ngoài phát triển kinh tế gia đình, chị Ninh còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời hỗ trợ vốn cho hội viên phụ nữ tại địa phương có nhu cầu thu mua phế liệu, giúp chị em tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.

Nhiều hội viên đến tìm hiểu mô hình chăn nuôi dê của gia đình chị Đỗ Thị Huyền.
Nhiều hội viên đến tìm hiểu mô hình chăn nuôi dê của gia đình chị Đỗ Thị Huyền.

Đầu năm 2020, chị Đỗ Thị Huyền (buôn Kala, xã Dray Sáp) được Hội LHPN huyện hỗ trợ vay 20 triệu đồng để chăn nuôi dê. Ngay lứa đầu tiên, 4 con dê cái đã sinh sản 5 con dê con. Khởi đầu thuận lợi, chị Huyền dự tính đến cuối năm nay, chị có thể trả khoản tiền vay mượn đầu tư mua dê giống. Đây cũng là động lực lớn giúp vợ chồng chị Huyền kiên trì phát triển mô hình, tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình.

Cũng là một trong những tấm gương điển hình của phong trào khởi nghiệp tại địa phương, hiện nay chị Nguyễn Thị Bích Trâm (xã Quảng Điền) đã có 1 cơ sở may gia công không chỉ tạo được nguồn thu nhập cho gia đình mà còn tạo việc làm ổn định cho hội viên phụ nữ tại địa phương. Vốn có kinh nghiệm 5 năm làm công nhân may mặc ở TP. Hồ Chí Minh, sau khi trở về địa phương, nhận thấy nhu cầu việc làm của nhiều chị em, chị Trâm đã mạnh dạn đề xuất ý tưởng thành lập tổ may mặc.

Đánh giá được tính khả thi của dự án này, đầu năm 2017, Hội LHPN huyện hỗ trợ chị Trâm vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn khởi nghiệp. Có vốn, vợ chồng chị Trâm vay mượn thêm để mua máy may công nghiệp gia công và mở cơ sở. Hiện nay, vợ chồng chị kết nối với một số xưởng may ở TP. Hồ Chí Minh lấy hàng thể thao về may gia công. Trung bình mỗi tháng, cơ sở của chị nhận may khoảng 12.000 bộ đồ, tạo nguồn thu nhập ổn định cho 13 hội viên phụ nữ với mức từ 4-5 triệu đồng/người/tháng.

Đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp

Thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”, thời gian qua Hội LHPN huyện Krông Ana đã tích cực triển khai các hoạt động cụ thể, thiết thực. Tham gia đề án, phụ nữ được tiếp cận với những kiến thức mới trong lĩnh vực kinh doanh, được chia sẻ kinh nghiệm hay, cách làm hiệu quả trong sản xuất. Đặc biệt là những ý tưởng có tính sáng tạo, có khả năng ứng dụng cao trong các lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ được hỗ trợ, tuyên truyền rộng rãi đem lại lợi ích cho phụ nữ và cộng đồng.

Từ năm 2017 đến nay, Hội LHPN huyện Krông Ana đã phối hợp hỗ trợ 54 mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh của hội viên phụ nữ trên địa bàn với tổng số vốn hơn 1,3 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Hội phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho chị em; truyền thông, vận động cán bộ, hội viên tham gia các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, thành lập các tổ hợp tác, tổ phụ nữ liên kết kinh doanh chế biến sản phẩm sạch; tổ chức các diễn đàn: “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”, “Chia sẻ kinh nghiệm trong khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh”...; vận động hội viên, phụ nữ hưởng ứng thực hiện giảm thiểu rác thải trong sinh hoạt, trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt, chế biến, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường.

Đại diện lãnh đạo huyện Krông Ana trao vốn khởi nghiệp cho hội viên phụ nữ trên địa bàn.
Đại diện lãnh đạo huyện Krông Ana trao vốn khởi nghiệp cho hội viên phụ nữ trên địa bàn.

Chị Lê Thị Thanh Hảo, Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết: Thời gian tới, Hội LHPN huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo triển khai Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, tập trung vào việc tổ chức các lớp đào tạo để nâng cao kiến thức cho chị em có ý tưởng khởi nghiệp, hỗ trợ về khởi sự kinh doanh, quản trị doanh nghiệp; phối hợp để hỗ trợ thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã do phụ nữ quản lý; giới thiệu quảng bá các sản phẩm cho phụ nữ tại các địa phương trong và ngoài tỉnh; hỗ trợ chị em đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu và các quy trình sản xuất phân phối rộng rãi đến thị trường với những quy định bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.