Multimedia Đọc Báo in

TP. Buôn Ma Thuột: Thù lao quá thấp, nhiều cộng tác viên dân số nghỉ việc

10:18, 12/07/2020

Liên tiếp những năm gần đây, nhiều cộng tác viên dân số ở TP. Buôn Ma Thuột nghỉ việc, ảnh hưởng lớn đến triển khai các hoạt động trong công tác dân số.

Thống kê tại TP. Buôn Ma Thuột cho thấy, hằng năm tình trạng cộng tác viên dân số nghỉ việc diễn ra ở tất cả các xã, phường. Năm 2019, thành phố thiếu 40 cộng tác viên, đến năm 2020 con số đó đã tăng lên thành 48 người.

Bà Phạm Thị Mùi từng là cộng tác viên dân số ở tổ dân phố 3, phường Tân An suốt 13 năm. Do gắn bó với công việc trong thời gian dài, bà nắm rất chắc các chủ trương, chính sách về dân số; tích cực “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình và nâng cao chất lượng dân số. Tuy nhiên, công việc nhiều, vất vả song phụ cấp công việc quá thấp, chỉ được 100.000 đồng/tháng. Đó là lý do đầu năm 2018, bà Mùi quyết định nghỉ việc. Bà Mùi bộc bạch: “Thù lao như vậy chưa bằng nửa ngày công, không đủ tiền để đổ xăng nên tôi quyết định nghỉ, dành thời gian làm việc khác”.

Bà Lê Thị Hường (bên trái),  cộng tác viên  dân số xã Ea Tu  tư vấn cho người dân về sàng lọc trước sinh và  sơ sinh.
Bà Lê Thị Hường (bên trái), cộng tác viên dân số xã Ea Tu tư vấn cho người dân về sàng lọc trước sinh và sơ sinh.

Mức thù lao ít ỏi cũng là lý do khiến chị Hoàng Thị Phương (từng là cộng tác viên dân số tổ dân phố 7, phường Tân An) không còn gắn bó với công việc. Chị đã nghỉ việc từ đầu năm 2019. Chị Phương chia sẻ: Làm công tác dân số phải cất công đến tận nhà gặp đối tượng. Ban ngày không gặp phải tranh thủ đi vào chiều tối hoặc ban đêm. Trước đây, công tác dân số chỉ chú trọng vận động thực hiện kế hoạch hóa gia đình nhưng hiện nay, công việc tăng lên rất nhiều: sàng lọc trước sinh, sơ sinh; tư vấn sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân, chăm sóc người cao tuổi... khiến cộng tác viên dân số rất vất vả.

Bà Mùi và chị Phương chỉ là hai trong số 12 cộng tác viên dân số ở phường Tân An đã nghỉ việc nhưng phường chưa tìm được người thay thế. Hiện nay, công tác dân số của phường gặp nhiều khó khăn như: không thể tuyên truyền các chủ trương, chính sách về dân số; không cập nhật kịp thời các biến động về dân cư; người dân ít được tiếp nhận các thông tin về dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và nâng cao chất lượng dân số... Chị Trần Thị Hương, viên chức dân số phường Tân An nói: “Cộng tác viên xin nghỉ nhiều làm ảnh hưởng đến cả tập thể. Những người làm việc lâu năm giờ không còn tâm huyết như trước nữa”.

Theo quy định tại Thông tư 05 năm 2008 của Bộ Y tế và thực tế công việc tại cơ sở, cộng tác viên dân số có rất nhiều nhiệm vụ như: Tuyên truyền, vận động về dân số - kế hoạch hóa gia đình, vệ sinh phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu; trực tiếp tuyên truyền, vận động, tư vấn về kế hoạch hóa gia đình và cung cấp phương tiện tránh thai; thực hiện chế độ ghi chép ban đầu, thu thập số liệu, lập báo cáo tháng về dân số theo quy định; quản lý sổ hộ gia đình về dân số tại địa bàn...  Hiện nay, công tác dân số từng bước chuyển dần trọng tâm từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển, cộng tác viên dân số phải làm thêm việc tư vấn về lợi ích, tầm quan trọng của chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh và sơ sinh, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi...

 
Khối lượng công việc ngày càng tăng nhưng thù lao quá thấp là nguyên nhân chính khiến hàng loạt cộng tác viên dân số ở TP. Buôn Ma Thuột nghỉ việc. Cộng tác viên dân số cũng có những yêu cầu đặc thù riêng: là người cư trú tại địa bàn và có uy tín trong cộng đồng, gương mẫu thực hiện kế hoạch hóa gia đình; có kiến thức và tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình tham gia công tác... Theo ông Lại Quang Miễn, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố, Trung tâm đang phối hợp với các xã, phường liên hệ trực tiếp ở thôn, buôn, tổ dân phố để vận động khuyến khích người am hiểu, có kiến thức về dân số tham gia làm cộng tác viên dân số. Tuy nhiên, việc tìm người mới thay thế với mức thù lao chỉ 100.000 đồng mỗi tháng rất khó, chưa kể tìm được người mới lại phải mất thời gian để kèm cặp, hướng dẫn cho quen công việc...
 
Thảo Nguyên

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.