Multimedia Đọc Báo in

Tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện: Tâm huyết, trách nhiệm của người làm công tác bảo hiểm

14:36, 18/07/2020

Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) nhìn chung gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm, số đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh vẫn tăng mạnh. Có được kết quả đó, công tác tuyên truyền, vận động đóng vai trò quan trọng.

Trước đây, khi nhắc đến BHXH tự nguyện, lương hưu, nhiều người dân ở các vùng quê thuần nông cảm thấy khá xa lạ vì họ luôn nghĩ chỉ những ai làm cán bộ nhà nước, công ty mới có thể tham gia để sau này được nhận lương hưu hằng tháng. Tuy nhiên, qua công tác tuyên truyền, vận động, hiện nay có khá nhiều người biết chính sách, quyền lợi và tích cực tham gia BHXH tự nguyện. Để chính sách BHXH tự nguyện đến với người dân, giúp họ hiểu và thay đổi nhận thức, ngoài các buổi tuyên truyền, vận động ở hội trường xã hay các thôn, buôn thì cán bộ làm công tác thu bảo hiểm đã đến từng gia đình để vận động, giải thích quyền lợi lâu dài mà người dân được hưởng khi tham gia.

Cán bộ BHXH TP. Buôn Ma Thuột và nhân viên bưu điện xã Hòa Khánh tuyên truyền các chính sách bảo hiểm đến người dân.
Cán bộ BHXH TP. Buôn Ma Thuột và nhân viên bưu điện xã Hòa Khánh tuyên truyền các chính sách bảo hiểm đến người dân.

Theo chân chị Hồ Thị Vân (nhân viên bưu điện, thu bảo hiểm xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột) đi tuyên truyền tại nhà các hộ dân ở thôn 19 mới thấy được sự kiên trì, tâm huyết của người làm công tác bảo hiểm. Mới đầu khi nghe tuyên truyền, nhiều người dân thấy thời gian đóng quá dài, trước mắt không được lợi ích gì nên họ thờ ơ, chưa lắng nghe, không muốn tham gia. Tuy nhiên, không nản lòng, chị Vân vẫn cứ gần gũi trò chuyện, giải thích, tuyên truyền ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp với từng đối tượng. Dần dần, nhiều người dân hiểu được BHXH, BHYT là chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, không giống các loại hình bảo hiểm thương mại khác nên bắt đầu đăng ký tham gia. Đơn cử như bà Lê Thị Hiền (thôn 19), sau khi nghe giải thích, bà và con gái là Nguyễn Thị Thảo đã ký hợp đồng tham gia BHXH tự nguyện với mức đóng thấp nhất hơn 130.000 đồng/tháng/người. Với số tiền đóng BHXH này thì sau khi đủ thời gian tham gia theo quy định, hai mẹ con bà được nhận lương hưu mỗi người gần 800.000 đồng/tháng; ngoài ra bà còn được cấp BHYT…

Tương tự, bà Trương Thị Chín (thôn 5) sau khi được tuyên truyền cũng đã tham gia BHXH tự nguyện, bởi theo bà, mỗi tháng bỏ ra chỉ hơn 130.000 đồng nhưng sau này khi về già, không đủ sức lao động thì bản thân vẫn có lương hưu hằng tháng để trang trải chi phí sinh hoạt cho bản thân, không phụ thuộc con cháu.

Đến cuối tháng 6-2020, toàn tỉnh đã phát triển BHXH tự nguyện lên 8.749 người (tăng 1.770 người so với năm 2019); BHYT 1.645.508 người, đạt tỷ lệ bao phủ 88,7% dân số (tăng 15.106 người so với tháng 6-2019 và tăng 13.868 người so với năm 2019).

Làm công tác thu bảo hiểm từ đầu năm 2019, đến nay chị Vân đã phát triển được hơn 60 đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn xã Hòa Khánh. Có được kết quả này, ngoài công việc chính ở Bưu điện văn hóa xã, chị đã vận dụng lồng ghép để tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện đến từng người dân. Cùng với đó, chị thường tranh thủ ngoài giờ để đến từng nhà dân tuyên truyền trực tiếp. Ngoài ra chị còn tích cực đăng tin, chia sẻ về chính sách BHXH, BHYT trên mạng xã hội Facebook, Zalo để nhiều người biết đến chính sách này.

Chị Hồ Thị Vân (bên phải) tuyên truyền, vận động người dân xã Hòa Khánh tham gia BHXH tự nguyện.
Chị Hồ Thị Vân (bên phải) tuyên truyền, vận động người dân xã Hòa Khánh tham gia BHXH tự nguyện.

Chị Vân chỉ là một trong số những cán bộ, người trực tiếp thu bảo hiểm ở các địa phương tâm huyết, trách nhiệm cao. Với cách thức tuyên truyền linh hoạt, sáng tạo, họ đã làm thay đổi nhận thức của nhiều người, giúp người dân hiểu và tham gia BHXH tự nguyện. Ông Phạm Hùng Sơn, Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: “Từ đầu năm 2020 đến nay, mặc dù đại dịch Covid-19 tác động trực tiếp đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhiều đơn vị, doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động; người lao động không có việc làm phải nghỉ việc, thu nhập giảm; đời sống của người lao động và nhân dân gặp nhiều khó khăn, nhưng với sự nỗ lực của ngành, số người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình vẫn tăng đáng kể”. Để có được kết quả này, BHXH tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức: phối hợp các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên hệ thống loa truyền thanh các xã, phường với nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, giúp người dân dễ dàng nắm bắt đầy đủ các chính sách BHXH tự nguyện; đặc biệt là đội ngũ nhân viên trực tiếp thu bảo hiểm đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền…

Thúy Hồng

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.