Multimedia Đọc Báo in

Xoa dịu nỗi đau chiến tranh

09:32, 26/07/2020

Gia đình ông Hoàng Văn Cửu (thôn 4, xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn) là gia đình thương binh nặng, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trong căn nhà nhỏ tuềnh toàng, nằm sát Tỉnh lộ 1, tài sản đáng giá chỉ có bộ bàn ghế trường kỷ cũ. Ngồi tháo chiếc chân giả, ông Cửu kể về cuộc đời của mình, một người lính chống Mỹ năm xưa.

Sinh ra và lớn lên ở xã Địa Linh (huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn), năm 1972 ông Hoàng Văn Cửu vừa tròn 18 tuổi. Khi ấy đất nước còn chìm trong bom đạn của chiến tranh, ông xung phong lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu tại mặt trận Quảng Trị. Trong một trận chiến giáp lá cà với quân thù, ông bị địch bắn trọng thương vào chân phải. Ngực, lưng, chân trái và thái dương trái của ông cũng bị nhiều mảnh pháo xuyên vào. Do vết thương quá nặng nên ông bị cưa mất chân phải, còn những mảnh bom ghim vào thái dương trái và chân trái thì không thể phẫu thuật. Thời gian điều trị vết thương và an dưỡng mất gần 10 năm. Đến tháng 7-1982, các vết thương trên người ổn định, ông được đơn vị cho phục viên tại quê nhà, mang thương tật 61%, thương binh hạng 2/4 và bị nhiễm chất độc da cam.

Ông Hoàng Văn Cửu phải dùng chân giả do bị thương trong một trận chiến.
Ông Hoàng Văn Cửu phải dùng chân giả do bị thương trong một trận chiến.

Trong thời gian an dưỡng tại Thái Nguyên, ông Cửu gặp bà Vũ Thị Sim là công nhân quê ở Thái Bình.

Năm 1980, vợ chồng ông sinh được cậu con trai. Niềm vui vỡ òa khi nghe con cất tiếng khóc chào đời chưa được bao lâu thì nụ cười bỗng tắt lịm khi nhìn thấy đôi mắt con bị mù, miệng thì bị hở hàm ếch. Ông Cửu đau đớn đến tột cùng khi biết con mình bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam do ông bị nhiễm trong chiến tranh.

Không cam chịu số phận, ông tiếp tục động viên vợ sinh thêm ba người con, may mắn thay người con trai và hai cô con gái sau đều lành lặn. Thế nhưng gia đình đông con, ruộng vườn không có, đồng trợ cấp thương binh ít ỏi nên một mình bà Sim phải lo chạy vạy bữa ăn hàng ngày để nuôi đàn con nhỏ. Kiếm được bao nhiêu tiền cũng không đủ trang trải cuộc sống hằng ngày, chưa nói đến chuyện đưa cậu con trai đầu đi chữa trị khắp nơi. Năm 1986, được Nhà nước quan tâm, người con đầu của ông đã được đưa đi điều trị hở hàm ếch miễn phí, còn đôi mắt thì phải chịu tối tăm suốt đời. 

Quê nghèo, cuộc sống khó khăn, năm 2001 ông Cửu dẫn vợ con rời quê hương lên Tây Nguyên sinh sống, mong vùng đất mới sẽ giúp ông thoát khỏi cảnh đói nghèo. Gắn bó với mảnh đất Buôn Đôn gần 20 năm, các con ông đã lớn khôn và lập gia đình. Anh Hoàng Văn Giang (người con trai đầu) cũng đã lấy vợ và sinh được hai con, bé gái năm nay 9 tuổi, bé trai 5 tuổi. Vợ chồng ông Cửu sống cùng gia đình anh Giang. Trong một ngày định mệnh, trên đường đi đón mẹ chồng ở bệnh viện về, vợ anh Giang bị tai nạn giao thông và qua đời. Chị ra đi để lại cho người chồng khuyết tật, mù lòa  hai đứa con thơ.

Bố con anh Hoàng Văn Giang chuẩn bị bữa cơm trưa.
Bố con anh Hoàng Văn Giang chuẩn bị bữa cơm trưa.

Ông Nguyễn Đức Vận, nguyên là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Ea Huar cho biết, căn nhà tình nghĩa rộng 24 m2, chỗ ở hiện tại của vợ chồng ông Cửu là do chính quyền địa phương hỗ trợ xây dựng. Hằng năm mỗi dịp Ngày Thương binh - Liệt sỹ và các dịp lễ, tết, gia đình ông luôn được các cấp, các ngành đến thăm hỏi, tặng quà động viên chia sẻ. Tuy nhiên, do hoàn cảnh quá khó khăn nên gia đình ông Hoàng Văn Cửu vẫn rất túng quẫn. Bà Sim vợ ông nay tuổi đã cao lại mắc bệnh tiểu đường, con anh Giang đang tuổi ăn, tuổi học, chúng còn chưa nguôi nỗi đau mất mẹ.

Chia sẻ trước hoàn cảnh của gia đình ông Hoàng Văn Cửu, các nhà hảo tâm đã ủng hộ trên 100 triệu đồng làm hai sổ tiết kiệm lo chi phí học tập cho hai cháu nhỏ. Bố con anh Giang cũng đã được những tấm lòng hảo tâm xây dựng cho căn nhà nhân ái rộng 40 m2 để thuận tiện hơn trong sinh hoạt hằng ngày. Nhà nước cũng đã hỗ trợ một con bò cái sinh sản để tạo công ăn việc làm cho anh Giang, giúp gia đình vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Nguyễn  Thanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.