Bài toán việc làm trước đại dịch Covid-19
09:40, 17/08/2020
Dịch Covid-19 thực sự đã trở thành "cơn địa chấn", tác động đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Một trong những dư chấn nặng nề nhất mà nó để lại đó là vấn đề việc làm của hàng trăm nghìn người lao động. Ảnh hưởng từ làn sóng Covid lần thứ nhất chưa giải quyết xong, thách thức lại tiếp tục đặt ra khi làn sóng Covid thứ hai ập tới.
Xuất hiện tại Việt Nam từ cuối tháng 1 và tính đến hết 6 tháng đầu năm 2020, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, dịch Covid-19 đã tác động đến lao động, việc làm của 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên. Lao động nữ, lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp hoặc không có trình độ chuyên môn kỹ thuật và lao động làm công việc phi chính thức bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Lao động nữ giảm 877,4 nghìn người, mức giảm này cao gấp 1,8 lần so với lao động nam (lao động nam giảm 498,0 nghìn người). Lao động làm việc trong khu vực dịch vụ bị tác động tiêu cực nhiều nhất với số giảm việc làm là 19,1 triệu người (chiếm 36,1%), giảm 257,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
Tác động của dịch Covid-19 khiến người lao động gặp nhiều khó khăn hơn khi tham gia thị trường lao động và đóng góp sức lực của mình trong chuỗi sản xuất hàng hóa và dịch vụ cho xã hội. Hậu quả là, đối với bản thân người lao động, thu nhập của họ đã giảm đáng kể so với trước khi xảy ra đại dịch.
Tốc độ tăng thu nhập của người lao động quý II năm 2019 so với cùng kỳ năm 2018 đạt 16,6%; thu nhập quý II năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019 giảm hơn 5%. 6 tháng đầu năm, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động là gần 1,2 triệu người, tăng 123,9 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; số thanh niên (người từ 15 - 24 tuổi) thất nghiệp khoảng 451,6 nghìn người, chiếm 36,8% tổng số người thất nghiệp.
Lao động nữ chiếm tỷ lệ lớn trong dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH May Tây Nguyên (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Nguyễn Xuân |
Sau một thời gian dịch bệnh tạm lắng, mọi sinh hoạt của người dân gần như trở lại bình thường thì đến ngày 25-7-2020 nước ta lại phát hiện ca lây nhiễm vi rút Sars-CoV-2 trong cộng đồng. Đợt bùng phát này bắt đầu từ thành phố Đà Nẵng và đến nay đã lây nhiễm ra nhiều tỉnh, thành phố khác trong cả nước với nhiều ca mắc mới. Lần này, nỗi lo càng chất chồng.
Những tháng đầu năm 2020, nền kinh tế còn sung sức với nguồn lực khá dồi dào do tích lũy được từ những năm trước. Khi việc khắc phục những hậu quả của làn sóng Covid lần thứ nhất còn chưa giải quyết xong; nhiều ngành nghề chưa hồi phục hoặc mới rục rịch hồi phục; niềm vui người lao động quả "ngắn chẳng tày gang" khi làn sóng Covid thứ hai ập tới, thách thức sẽ càng lớn hơn.
Thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP, ngành lao động, thương binh và xã hội đã triển khai nhanh, đúng mục đích, yêu cầu với tinh thần khẩn trương, chặt chẽ, hiệu quả gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng đến đúng đối tượng. Tính đến ngày 25-6-2020, các địa phương đã thực hiện chi trả cho khoảng 11,2 triệu đối tượng thụ hưởng với tổng kinh phí 11.320 tỷ đồng.
Số người lao động gặp khó khăn hiện nay còn rất lớn và cần có giải pháp mạnh hơn, đề xuất chính sách mới hơn trước thách thức của làn sóng Covid thứ hai này. Trong câu chuyện hỗ trợ, ngoài nâng cao hiệu quả giải ngân các gói hỗ trợ thu nhập cho người dân vượt qua đại dịch, có lẽ cũng cần tính đến việc nghiên cứu để xây dựng các gói hỗ trợ đặc thù cho nhóm lao động yếu thế, bao gồm lao động nữ và lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật, chịu tổn thương bởi diễn biến khó lường của dịch Covid-19.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát trên thế giới, lao động không sử dụng hết tiềm năng có xu hướng gia tăng, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích người lao động học tập nâng cao trình độ; mặt khác cần tập trung hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, đào tạo lại người lao động để có thể thích ứng với những hình thức sản xuất, lao động mới, có sự trợ giúp tích cực của công nghệ. Khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ phát huy tiềm năng và thế mạnh, góp phần giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội.
Đàm Thuần
Ý kiến bạn đọc