Multimedia Đọc Báo in

Cẩn trọng khi cho trẻ em sử dụng điện thoại smartphone

10:11, 26/08/2020
Trong cuộc sống hằng ngày ở khu vực thành thị, bất kể đâu chúng ta cũng rất dễ bắt gặp cảnh trẻ em cầm điện thoại smartphone mải mê với những trò chơi, hay xem phim ảnh.
 
Thậm chí, nhiều bậc cha mẹ còn cảm thấy tự hào về việc con mình không cần ai chỉ dạy cũng biết truy cập những ứng dụng trên smartphone. Tuy nhiên, nhiều người không hề lường trước được những mối nguy nếu để trẻ lạm dụng, dẫn đến “nghiện” điện thoại thông minh... 
 
Chị Tr.Th.H.H. ở tổ dân phố 2, phường Tự An (TP. Buôn Ma Thuột) có con nhỏ hơn 4 tuổi. Hằng ngày, để dụ bé ăn, chị phải dùng smartphone mở nhạc thiếu nhi hoặc phim hoạt hình để thu hút sự chú ý của con. “Lúc con mới 3 tháng tuổi, tôi gắn hẳn cái máy tính bảng Ipad lên xe đẩy cho cháu nghe nhạc thiếu nhi để ngủ. Giờ đã hình thành thói quen cho bé. Những lúc bận bịu công việc nhà như nấu cơm, giặt đồ..., tôi phải đưa cho bé chiếc điện thoại thông minh, chứ nếu không là nó quấy khóc” - chị H. bộc bạch.
 
Một bé trai say mê chơi smartphone.
Một bé trai say mê chơi smartphone.
Còn chị D.Th.Nh. (ở thôn 5, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn), do bận buôn bán tạp hóa nên ít có thời gian dạy con trai 10 tuổi học bài. Để “giữ chân” con ở nhà, chị giao hẳn cho con một cái Ipad với mong muốn để bé tìm kiếm tài liệu học tập, biết thêm kiến thức mới trên mạng Internet... Tuy nhiên, chị cũng không biết con mình có chuyên tâm học hành hay sử dụng máy tính bảng vào những mục đích gì khác nữa.
 
Trường hợp gia đình anh T.V.H. (tổ dân phố 7, phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) có con 6 tuổi. Từ nhỏ cháu đã thường xuyên sử dụng smartphone để truy cập vào các trò chơi online, xem phim hoạt hình trực tuyến. “Thời gian gần đây, vợ chồng tôi thấy cháu hay la hét và có những hành động khác lạ nên đưa đi TP. Hồ Chí Minh để thăm khám. Bác sĩ kết luận cháu bị rối loạn hành vi ở mắt, co giật vai, thiếu tập trung. Giờ tôi cảm thấy rất hối hận vì để con sử dụng smartphone” - anh H. buồn bã nói.
 
Theo bà Lê Thị Thanh Xuân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Internet là kho dữ liệu khổng lồ mà ở đó, ngoài các kiến thức bổ ích, giải trí lành mạnh còn rất nhiều thông tin, hình ảnh có nội dung độc hại, bạo lực, phản cảm... Vì vậy, việc trẻ lạm dụng các thiết bị thông minh này mà thiếu kiến thức, kỹ năng tham gia không gian mạng an toàn rất có nguy cơ phản tác dụng. Thực tế cho thấy, thời gian gần đây có không ít trường hợp trẻ em lạm dụng smartphone, máy tính kết nối Internet đã có những ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng như: sự trưởng thành bị lệch lạc; rối loạn hành vi; trẻ bị đẩy vào thế cô lập với xã hội xung quanh, gây ra những tâm lý nặng nề...
 
Mới đây, một trường học trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đã tiến hành test chỉ số thông minh (IQ) dành cho các bé chuẩn bị vào lớp 1 cho thấy, có khoảng 20% số trẻ được kiểm tra có những triệu chứng như tăng động, trầm cảm, rối loạn hành vi hoặc thiếu tập trung. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ “có vấn đề” về tâm lý, hành vi. Song, theo các phụ huynh thì hầu hết những trẻ có triệu chứng này đều “nghiện” sử dụng smartphone. 
Smartphone dễ khiến trẻ xao nhãng việc học hành; có khuynh hướng ít giao tiếp với cha mẹ, người thân; lười vận động; giảm khả năng tư duy..." - Phó Giám đốc  Sở Giáo dục và Đào tạo   Lê Thị Thanh Xuân.

Bà Lê Thị Thanh Xuân cho rằng: Chúng ta không thể cấm trẻ sử dụng các thiết bị thông minh có kết nối Internet, mà nên quan tâm nhiều đến con em mình; phân bổ thời gian học hành, giải trí hợp lý, nhất là trang bị cho trẻ các kiến thức, kỹ năng sử dụng smartphone một cách an toàn, hiệu quả; kiểm soát kỹ những thông tin mà trẻ tìm hiểu trên Internet; khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí ngoài thực tế để giúp các em phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần... Bên cạnh đó, các cấp, ngành, địa phương cũng cần ưu tiên đầu tư xây dựng, sử dụng hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao cho trẻ… giúp các em có sân chơi lành mạnh, bổ ích.

 
Lê Thành
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.