Multimedia Đọc Báo in

Chung tay hành động phòng chống bạo lực gia đình

08:05, 26/08/2020

Với vai trò là tổ chức đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho phụ nữ và trẻ em, nhiều năm qua, Hội LHPN tỉnh đã triển khai đa dạng biện pháp, góp phần hạn chế tình trạng bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh.

Xây dựng địa chỉ tin cậy
 
Để hoạt động phòng chống bạo lực gia đình đạt hiệu quả, Hội LHPN tỉnh đã đưa nội dung này vào các hoạt động thường xuyên của Hội bằng việc chỉ đạo, hướng dẫn các cấp hội xây dựng cơ sở tư vấn, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình, xây dựng các mô hình, câu lạc bộ về xây dựng gia đình hạnh phúc…
 
Năm 2012, Hội LHPN tỉnh thực hiện thí điểm “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng” của tỉnh tại phường Thành Công (TP. Buôn Ma Thuột) nhằm kịp thời tiếp nhận, hỗ trợ, giúp đỡ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực gia đình. Qua một năm hoạt động hiệu quả, Hội tiếp tục hướng dẫn hội LHPN cấp huyện xây dựng thí điểm cấp huyện, qua đó đánh giá, rút kinh nghiệm và nhân rộng toàn tỉnh.
 
  Các gia đình  tham gia  Hội thi  "Gia đình  hạnh phúc"  do Sở Văn hóa, Thể thao  và Du lịch  phối hợp với Hội LHPN tỉnh  tổ chức.
Các gia đình tham gia Hội thi "Gia đình hạnh phúc" do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Hội LHPN tỉnh tổ chức.

 

Tại phường Thắng Lợi, nhiều năm qua, “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng” trở thành chỗ dựa tinh thần, nơi gửi gắm tâm tư của các chị em mỗi khi “cơm không lành ,canh không ngọt”. Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Chủ tịch Hội LHPN phường cho hay, mỗi chị em tìm đến địa chỉ đều có những nỗi niềm riêng, nhưng nhờ sự tư vấn thấu tình đạt lý của các thành viên nên có người đã thoát được cảnh bạo lực gia đình và cũng có người tưởng chừng gia đình sẽ tan vỡ, nhưng cuối cùng đã hàn gắn, hòa thuận.

 
Chung tay phòng chống bạo lực gia đình, tính đến nay, các cấp Hội Phụ nữ đã xây dựng được 184 “Địa chỉ tin cậy cộng đồng”, 71 “Tổ tư vấn cộng đồng”, 64 “Góc tư vấn về giáo dục đời sống gia đình, tư vấn tiền hôn nhân” tại các thôn, buôn, tổ dân phố và thông báo rộng rãi cho cán bộ, hội viên phụ nữ biết để liên hệ khi cần thiết. Cùng với đó, Hội LHPN tỉnh còn xây dựng trang “Tư vấn pháp luật miễn phí” trên Facebook để kịp thời tiếp nhận, giải quyết các vướng mắc của hội viên phụ nữ trong mọi lĩnh vực đời sống.
 
Bên cạnh việc xây dựng các cơ sở tư vấn, các cấp hội trong tỉnh đã linh hoạt gắn hoạt động phòng chống bạo lực gia đình vào việc triển khai cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, các đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt”, “Tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ”, dự án “Hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững”; câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật”, mô hình “Gia đình hạnh phúc”, “Gia đình không có bạo lực”… Thông qua đó, chị em phụ nữ đã kịp thời động viên, chia sẻ kinh nghiệm về kỹ năng xử lý mâu thuẫn gia đình, cùng gỡ rối khi gặp khó khăn, đồng thời nâng cao kiến thức chăm sóc, giáo dục con, xây dựng gia đình hạnh phúc.
 
Nhiều hoạt động bảo vệ phụ nữ
 
Phát huy vai trò, trách nhiệm là thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống bạo lực gia đình, toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, tổ hòa giải, Ban Chủ nhiệm các mô hình, câu lạc bộ tại địa phương, khi phát hiện các vụ việc bạo lực gia đình, cán bộ Hội LHPN các cấp đã chủ động báo cơ quan chức năng, kịp thời can thiệp, xử lý, đồng thời giúp đỡ nạn nhân đến các cơ sở y tế để được chăm sóc sức khỏe. Với các trường hợp đối tượng tiếp tục có nguy cơ bị bạo lực, cán bộ Hội đã vận động phụ nữ mạnh dạn tố giác, đề nghị ngành chức năng xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.
  
Không để tình trạng bạo lực do nguyên nhân đói nghèo, các cấp hội tổ chức nhiều hình thức huy động vốn cho hội viên, phụ nữ nghèo, chưa có việc làm ổn định có hoàn cảnh khó khăn vay vốn đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng trọt, buôn bán nhỏ lẻ. Tính đến nay, tổng dư nợ các nguồn vốn do Hội quản lý gần 1.972 tỷ đồng, giải quyết cho trên 69.280 lượt hộ hội viên phụ nữ vay, trong đó có 62% hộ vay thuộc đối tượng phụ nữ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo.
 
Từ năm 2010 đến nay, các cơ sở hội đã can thiệp, giúp đỡ 360 trường hợp bị bạo lực gia đình, hòa giải thành công gần 1.600 vụ việc, chuyển 605 đơn kiến nghị ngành chức năng giải quyết theo thẩm quyền. Qua đó, góp phần làm giảm các vụ bạo lực gia đình từ 1.390 vụ (năm 2010) xuống còn 171 vụ (năm 2019).

Song song đó, các cấp hội đã phối hợp với ngành tư pháp và công an tổ chức 78 đợt tuyên truyền, phổ biến giáo dục, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, giải đáp thắc mắc cho trên 14.800 chị em các kiến thức pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình. Các đơn vị cũng đã phối hợp với ngành lao động, thương binh và xã hội giúp đỡ, giải quyết chế độ chính sách cho phụ nữ, trẻ em là nạn nhân bạo lực gia đình,  đưa nạn nhân về trung tâm bảo trợ xã hội để tạm lánh; tổ chức 376 lớp dạy nghề, tạo việc làm cho trên 18.560 phụ nữ, trong đó đặc biệt quan tâm phụ nữ bị bạo lực gia đình để chị em ổn định cuộc sống.

 
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hường, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, mấu chốt để giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình vẫn là nhận thức của các thành viên trong gia đình về ý thức, trách nhiệm xây dựng gia đình hạnh phúc. Cùng với đó, để chấm dứt tình trạng bạo lực gia đình, rất cần sự chung tay của cả cộng đồng, trong đó các cấp, các ngành cần có sự phối hợp thường xuyên hơn nữa; có biện pháp xử lý nghiêm minh các vụ vi phạm pháp luật về bạo lực gia đình, nhất là nạn xâm hại trẻ em gái.
  Quỳnh Anh
 

Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.