Multimedia Đọc Báo in

Máy rửa tay sát khuẩn tự động của Phó Bí thư Đoàn xã

15:12, 27/08/2020
Nhằm góp phần phòng chống dịch bệnh Covid-19, Phó Bí thư Đoàn xã Ea M’nang (huyện Cư M’gar) Trịnh Ngọc Khánh vừa chế tạo thành công máy rửa tay sát khuẩn tự động… (chỉ với 700.000 đồng) để hỗ trợ thiết thực cho công tác chống dịch ở địa phương. Đây là sản phẩm do anh tự mày mò, nghiên cứu lắp ráp, ra đời trong hai ngày đêm.
 
Những ngày gần đây, cùng với chính quyền, Đoàn Thanh niên xã Ea M’nang cũng ra sức triển khai các hoạt động phòng, chống sự lây lan của dịch bệnh Covid-19.
 
Người dân  sử dụng  máy rửa tay sát khuẩn  tự động  khi đến  liên hệ  công việc tại trụ sở UBND xã Ea M'nang.
Người dân sử dụng máy rửa tay sát khuẩn tự động khi đến liên hệ công việc tại trụ sở UBND xã Ea M'nang.
 
Trong vai trò Phó Bí thư Đoàn xã, anh Khánh cùng với đoàn viên, thanh niên ở địa phương tích cực vận động nguồn khẩu trang để phát miễn phí cho người dân, tuyên truyền người dân thực hiện rửa tay sát khuẩn khi đến các điểm công cộng. Tại trụ sở cơ quan, các khu vực công cộng của xã đều được trang bị chai nước rửa tay sát khuẩn. Tổ chức Đoàn cũng cắt cử đoàn viên, thanh niên đứng xịt dung dịch sát khuẩn cho bà con rửa tay trước khi đến và sau khi rời đi. Anh Khánh nhận thấy cách làm này tốt, nhưng tốn nhiều nhân lực, thời gian và cũng khiến anh không khỏi lo lắng về nguy cơ lây nhiễm chéo nếu có dịch bệnh xảy ra. Từ đó, anh lên ý tưởng nghiên cứu, chế tạo chiếc máy rửa tay sát khuẩn phun dung dịch tự động.
 
Trước khi bắt tay vào làm, anh Khánh đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu về các loại máy sát khuẩn tự động trên Internet. Sau đó quyết tâm mua thiết bị, dụng cụ về mày mò lắp ráp. Sau hai ngày đêm mày mò nghiên cứu, máy rửa tay sát khuẩn cảm ứng tự động được hoàn thiện. Chiếc máy có dạng đứng hình chữ nhật, kích thước 120 cm x 30 cm. Thành phần cấu tạo chính gồm một mạch đóng ngắt, một mô tơ, bộ phận cảm biến nhiệt để tự động phun dung dịch, vòi phun có thiết kế van một chiều… Riêng vỏ hộp được Khánh thiết kế bằng các khung sắt có ốp tấm formex trang trí. Anh Khánh cho hay, linh kiện để làm máy có thể dễ dàng tìm mua được trên thị trường. Chi phí để ra đời chiếc máy này cũng có thể chấp nhận được, phù hợp với điều kiện kinh tế tại địa phương, bảo đảm công năng sử dụng, tính thẩm mỹ cao. Tuy nhiên, theo anh Khánh, điều cần lưu ý là trong quá trình làm phải nghiên cứu làm sao để người dùng nhận đủ lượng dung dịch từ máy tự động và đủ thời gian thực hiện rửa tay theo quy trình 6 bước đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.
Anh Y Wal Mlô, Bí thư Huyện Đoàn Cư M’gar cho biết, máy sát khuẩn tự động do anh Khánh chế tạo đáp ứng yêu cầu sát khuẩn nhanh, tiết kiệm dung dịch sát khuẩn, rất phù hợp để đặt tại các điểm công cộng. Huyện Đoàn sẽ nhân rộng, làm thêm nhiều sản phẩm nữa để phục vụ tại một số điểm trên địa bàn có đông người dân đến giao dịch.

Sản phẩm đầu tiên lắp ráp thành công được đưa vào thử nghiệm, chạy ổn định tại cửa ra vào trụ sở UBND xã Ea M’nang. Những ngày sau đó, máy này được vận hành tại cổng chợ xã Ea M’nang để phục vụ người dân đến chợ rửa tay sát khuẩn. Máy vận hành khá đơn giản. Người dùng chỉ cần đưa tay vào vòi đúng vị trí ngăn rửa, máy sẽ tự động phun dung dịch với lượng vừa đủ để thực hiện các bước sát khuẩn. Ưu điểm dễ thấy của máy này là tiết kiệm được thời gian, người sử dụng hoàn toàn không phải tiếp xúc vào bất cứ bề mặt, không chạm vào thiết bị trong quá trình sát khuẩn, lượng dung dịch chảy ra vừa đủ cho một lần dùng, không gây lãng phí.

Với sáng tạo này, anh Khánh kỳ vọng sẽ phục vụ thiết thực cho hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 mà chính quyền đang nỗ lực thực hiện. Quan trọng hơn, sản phẩm bảo đảm yêu cầu hạn chế nguy cơ lây nhiễm khi tiếp xúc ở nơi công cộng, bệnh viện, cơ quan, chợ… Anh chia sẻ, đây là sản phẩm khá mới mẻ nên gây được sự chú ý của người dân và tiện lợi hơn cho việc sát khuẩn khi người dân đến trụ sở cơ quan liên hệ công việc, góp phần bảo đảm công tác phòng chống dịch đạt hiệu quả cao nhất.  
 
Đỗ Lan
 
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.