Những cách cho ấm lòng người nhận
08:55, 30/08/2020
Những ngày qua, khi cả nước cùng chung sức chống dịch Covid-19 thì tinh thần tương thân tương ái của người Việt như càng được nhân lên. Đứng trước chồng chất khó khăn, nhân dân đã cùng kề vai sát cánh, bao dung, đùm bọc, động viên nhau chiến thắng đại dịch.
Tại tâm dịch Đà Nẵng, người dân khắp mọi miền cả nước đã cùng hướng về và trao gửi "thành phố đáng sống" muôn vàn yêu thương. Từ ly trà sữa, trà gừng, cà phê, hay những bó hoa đủ sắc màu được dán lên dòng chữ “Đà Nẵng cố lên”, “Tôi yêu Đà Nẵng”… tuy thật giản đơn, nhưng lại dạt dào yêu thương, trân quý. Với những cá nhân, tập thể ở xa, họ chuyển khoản, nhờ người làm cầu nối với nội dung rất ấm áp “góp chút yêu thương đến Đà Nẵng”.
Biết thông tin nhiều bếp ăn thiện nguyện ở Đà Nẵng, Quảng Nam nấu phục vụ các khu cách ly phòng dịch Covid-19 bị thiếu hụt rau xanh, người dân Đắk Lắk đã kêu gọi nhau nhanh chóng "chi viện". Người mang rau, người mang gạo, dầu ăn, trứng, mì tôm đến quyên góp, làm cho những chuyến xe không chỉ chất đầy lương thực, thực phẩm mà cả nghĩa tình của người dân phố núi.
Người dân thành phố Buôn Ma Thuột quyên góp rau xanh "chi viện" cho Đà Nẵng trong đợt dịch bệnh vừa qua. Ảnh: E.Xin |
Tương tự, khi dịch bệnh bùng phát trở lại, hàng tấn rau, củ quả của bà con toàn tỉnh như thay lời động viên gửi đến cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh đang ngày đêm làm nhiệm vụ chốt chặn bảo vệ biên giới. Tình cảm ấy không chỉ thể hiện qua vật chất, mà đó còn là cách bà con kết nối, gửi gắm qua cách gói ghém, phân loại từng mớ rau củ...
Cứ thế, giữa đại dịch, những cách cho đi ấm tình người được viết tiếp bởi việc làm chân thành, ý nghĩa và ấm áp của những tấm lòng “sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”. Có thể những món quà nói trên giá trị vật chất không lớn, nhưng chắc chắn người được tặng sẽ cảm thấy hạnh phúc và trân quý hơn khi họ cảm nhận được tấm lòng của người cho.
Tuy nhiên, bên cạnh những tấm lòng tử tế, làm thiện nguyện bằng chữ "tâm", thì vẫn còn tình trạng một số đơn vị, cá nhân tham gia thiện nguyện chỉ mang tính hình thức, thiếu thực tâm. Từ thái độ trịch thượng, bề trên, tổ chức chương trình chậm trễ nhiều giờ đồng hồ bắt bà con ngồi chờ, đến việc trao quà tặng không phù hợp (áo quần quá cũ, rách; thực phẩm hết hạn sử dụng...), thậm chí là những lời hứa suông…, đã vô tình làm tổn thương lòng tự trọng của người được tặng.
Cha ông ta có câu “của cho không bằng cách cho”, chính vì vậy nên lựa chọn cách cho phù hợp với từng hoàn cảnh, điều kiện của người nhận. Bởi trong nhiều trường hợp, phần quà sẽ giá trị gấp bội không phải bởi vật chất, mà bắt đầu từ tấm lòng của người cho.
Song Quỳnh
Ý kiến bạn đọc