Multimedia Đọc Báo in

Những chiếc "tai giả" gửi tuyến đầu chống dịch

09:26, 14/08/2020
Cùng nhau làm “tai giả” (dụng cụ hỗ trợ đeo khẩu trang) gửi tặng những người làm công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 là hành động thiết thực, ý nghĩa được các cá nhân, tập thể trên địa bàn tỉnh thực hiện.
 
Với mong muốn góp phần giảm bớt nỗi vất vả của lực lượng phòng, chống dịch, Đoàn Thanh niên và Hội Phụ nữ cơ sở Phòng Thanh tra (Công an tỉnh) đã phát động chương trình “Chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid-19” với hoạt động làm “tai giả” hỗ trợ đeo khẩu trang.
 
Thông tin về hoạt động này sau khi chia sẻ trên mạng xã hội nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng tích cực không chỉ cán bộ, hội viên phụ nữ Phòng Thanh tra mà còn thu hút sự quan tâm của nhiều cá nhân trong tỉnh có cùng tấm lòng góp sức phòng, chống dịch bệnh. Chỉ trong ngày đầu tiên thực hiện, hơn 400 chiếc “tai giả” đã được làm xong và gửi đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên và Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh để các bác sĩ dùng thử.
 
“Các y, bác sĩ phản hồi rằng những chiếc “tai giả” giúp việc đeo khẩu trang thoải mái hơn, đôi tai được giảm áp lực rất nhiều” - chị Nguyễn Thị Thanh Hoài, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ cơ sở Phòng Thanh tra (Công an tỉnh) chia sẻ. 
 
Những chiếc “tai giả” được Hội Phụ nữ cơ sở Phòng Thanh tra (Công an tỉnh) gửi tặng các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.
Những chiếc “tai giả” được Hội Phụ nữ cơ sở Phòng Thanh tra (Công an tỉnh) gửi tặng các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.
Và sau hơn một tuần thực hiện, chị Hoài cùng 3 nhóm hỗ trợ đã làm thủ công hơn 3.000 chiếc “tai giả” gửi đến đội ngũ y, bác sĩ và lực lượng chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại các khu cách ly. Không chỉ làm “tai giả” tặng lực lượng phòng, chống dịch trong tỉnh, chị em trong Hội còn làm "tai giả" tặng y, bác sĩ đang làm việc ở tỉnh Quảng Nam. 
 
“Chỉ cần vùng dịch cần “tai giả”, chị em chúng tôi sẽ làm hết công suất. Mỗi người phụ trách một công đoạn từ móc len, đơm cúc đến hỗ trợ vật liệu…, ai cũng ra sức, đồng lòng vì một Việt Nam chiến thắng dịch bệnh” - chị Trịnh Thị Mỹ Ngọc, một tình nguyện viên hỗ trợ làm “tai giả” ở TP. Buôn Ma Thuột.

Tương tự, hiểu được sự vất vả của việc đeo khẩu trang phòng, chống dịch bệnh nhiều giờ liền trong ngày, đoàn viên, thanh niên huyện Cư M’gar đã khéo léo làm ra những chiếc “tai giả” bằng những vật liệu đơn giản như len hoặc sợi co giãn (được cắt hoặc móc thành từng đoạn ngắn có chiều dài 15 - 17 cm, đơm nút ở hai đầu) giúp đeo khẩu trang chặt hơn nhưng mang lại cảm giác mềm mại, dễ chịu và không gây đau tai để gửi tặng người làm công tác phòng, chống dịch bệnh. 

Anh Nguyễn Minh Quý, Phó Bí thư Huyện Đoàn Cư M’gar cho biết, làm “tai giả” là một hoạt động nằm trong dự án “Góp vải may khẩu trang phòng chống dịch Covid-19” của tuổi trẻ huyện nhà. Qua một tuần phát động, hơn 3.500 chiếc “tai giả” do đoàn viên, thanh niên tự làm đã được trao tận tay các y, bác sĩ, lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 tại địa phương.
 
Với tác dụng vô cùng đặc biệt: “tai giả” gánh bớt cái đau cho đôi tai thật, những sản phẩm hỗ trợ đeo khẩu trang là tấm lòng và tâm huyết của nhiều cá nhân, đơn vị, tập thể trên địa bàn tỉnh như một lời cảm ơn gửi tới lực lượng ở tuyến đầu đã và đang vất vả ngày đêm chống “giặc Covid-19”.
 
Thùy Linh
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.