Multimedia Đọc Báo in

Tuổi trẻ Ea Súp hướng về vùng dịch

10:11, 26/08/2020
Với mong muốn sẻ chia với những nỗi vất vả, nguy hiểm và áp lực mà các bác sĩ, nhân viên y tế đang làm việc ở tuyến đầu chống dịch hằng ngày phải đối mặt, Huyện Đoàn Ea Súp đã phát động phong trào “Chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid-19”. 

Phong trào đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của đông đảo đoàn viên, công chức, viên chức và người lao động trên địa bàn huyện. Cụ thể, Huyện Đoàn đã có những hoạt động như: tặng khẩu trang y tế, nước sát khuẩn, hỗ trợ cài đặt ứng dụng Bluezone và tuyên truyền lưu động về phòng, chống dịch bệnh. Hoạt động sáng tạo và ý nghĩa hơn cả của tuổi trẻ Ea Súp là làm “tai giả” (dụng cụ hỗ trợ đeo khẩu trang) tặng y, bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch.

Cô Nguyễn Thị Cẩm, giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường THCS Bế Văn Đàn (xã Cư Kbang) là một trong những người tham nhiệt tình nhất với hoạt động làm “tai giả”. Cô cho biết, đây là việc làm mang ý nghĩa nhân văn nên khi Hội đồng Đội huyện phát động, phong trào đã nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của thanh niên, các tổng phụ trách Đội và nhiều người dân.

Kinh phí thực hiện hoạt động này được huy động từ sự ủng hộ của các mạnh thường quân trên địa bàn huyện. Do hạn chế tiếp xúc, tập trung đông người, Huyện Đoàn không thể huy động đông lực lượng tham gia, nên các tổng phụ trách Đội “ôm” hết toàn bộ công việc. Sản phẩm này có thể được làm bằng len hoặc sợi co giãn, nhưng sau khi tính toán về giá thành và độ đàn hồi, nhóm quyết định làm chủ yếu bằng sợi co giãn.
 
Các tình nguyện viên huyện Ea Súp làm
Các tình nguyện viên huyện Ea Súp làm "tai giả" gửi đến vùng dịch.

Để công việc nhanh chóng, mọi người phân chia nhiệm vụ theo nhóm: cắt, xâu chỉ, may ráp, đơm cúc và tranh thủ làm cả ngày thứ bảy, chủ nhật. Bằng sự khéo léo, tận tâm gửi gắm qua từng sản phẩm, chỉ trong ít ngày, 5 nghìn chiếc “tai giả” đã được hoàn thành và gửi tặng những người đang làm nhiệm vụ ở tuyến đầu chống dịch tại Trung tâm Y tế huyện Ea Súp và một số cơ sở y tế, nơi cách ly ở TP. Buôn Ma Thuột, Đà Nẵng, Quảng Nam. 

 
Mỗi chiếc “tai giả” dài 15 - 17 cm, có đơm cúc ở hai đầu, tuy trị giá chỉ từ 2.000 – 4.000 đồng/cái, nhưng có tác dụng giúp đeo khẩu trang chặt hơn và mang lại cảm giác mềm mại, dễ chịu, không gây đau tai. Cô Cẩm chia sẻ: “Ai cũng muốn làm thật nhanh để những chiếc “tai giả” sớm được gửi đến vùng dịch, làm xong sản phẩm ai cũng cảm thấy vui vì được góp sức cùng cộng đồng phòng, chống dịch bệnh”.
 
Bên cạnh đó, các Đoàn xã cũng triển khai làm khoảng 5 nghìn “tai giả” để gửi đến những vùng dịch. Như tại xã Cư Kbang, Đoàn xã đã kêu gọi các mạnh thường quân đóng góp, ủng hộ kinh phí thực hiện chương trình. Để hoàn thành 3 nghìn sản phẩm, Đoàn xã huy động đoàn viên, thanh niên tại các thôn, buôn và các hội, đoàn thể làm cả thứ bảy, chủ nhật và cả ban đêm. “Những chiếc “tai giả” tuy giá trị không lớn nhưng là món quà tinh thần của tuổi trẻ xã gửi gắm, động viên những người ở tuyến đầu chống dịch vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ”, chị Đinh Thị Hương, Bí thư Đoàn xã Cư Kbang chia sẻ.
 
Theo anh Nguyễn Đặng Quốc Vương, Phó Bí thư Huyện Đoàn Ea Súp, sau khi Huyện Đoàn phát động phong trào chung tay phòng, chống dịch bệnh, các tổ chức, cơ sở Đoàn đã có những cách làm linh hoạt, phù hợp với thực tế tại đơn vị. Hiện, đoàn viên, thanh niên trên địa bàn huyện đã làm được 10 nghìn chiếc “tai giả”, kêu gọi được 2,5 tấn gạo, 1 nghìn gói mì tôm gửi đến vùng dịch. Tại địa phương, đã tổ chức 60 hoạt động tuyên truyền bằng loa di động tại các thôn, buôn; cấp phát hơn 10 nghìn khẩu trang miễn phí, hơn 1.500 tờ rơi, áp phích tuyên truyền phòng chống dịch bệnh với gần 500 đoàn viên thanh niên tham gia.
 
Minh Chi
 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.