Multimedia Đọc Báo in

"Biến" rác thải nhựa thành sản phẩm hữu ích

09:29, 27/10/2020

Hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa, nhiều  phụ nữ ở phường Thắng Lợi (TP. Buôn Ma Thuột) đã “biến” rác thải nhựa thành những vật dụng thiết thực phục vụ cuộc sống, góp phần bảo vệ môi trường.

Hơn 2 tháng qua, tranh thủ những lúc rảnh rỗi, chị Trần Thị Ngọc Hương và chị Nguyễn Thị Đềm (tổ dân phố 6) lại cùng nhau thu nhặt những sợi dây nhựa để làm nên những túi xách xinh xắn, đầy màu sắc. Ban đầu, hai chị chỉ làm những túi nhỏ đựng chai thủy tinh để con, cháu mình mang nước đến trường uống. Sau khi nhận được phản hồi tích cực của nhiều người về sản phẩm, hai chị lại tiếp tục mày mò để làm nên những chiếc túi lớn hơn giúp đựng được nhiều đồ hơn.

 

Chị Trần Thị Ngọc Hương và chị Nguyễn Thị Đềm (tổ dân phố 6) làm túi xách từ dây nhựa.
Chị Trần Thị Ngọc Hương và chị Nguyễn Thị Đềm (tổ dân phố 6) làm túi xách từ dây nhựa.

 

Thời gian để hai chị hoàn thành một chiếc túi thường phải mất từ 1 - 3 ngày. Sản phẩm làm ra, hai chị đều dành tặng các chị, các bà mang đi chợ thay thế cho túi ni lông, thậm chí là có thể mang đi chơi, dạo phố. Thấy được việc làm ý nghĩa vừa hạn chế được rác thải nhựa lại tạo ra được những vật dụng có ích, nhiều người có bao bì hay dây nhựa không dùng nữa đều mang đến tận nơi ủng hộ. Chị Hương chia sẻ: “Sau mỗi lần đi chợ, thấy nhiều bao đựng gạo, hành tỏi, dây nhựa cột hàng thường bị bỏ đi, tôi đã nghĩ ra ý tưởng dùng những sợi dây nhựa để làm túi xách. Khác với sợi len mềm, có độ co giãn thì dây nhựa khá cứng và thô. Để đan, thắt được tôi phải dành thời gian để tách từng sợi dây, thắt nút rồi nối chúng lại với nhau.”

 

“Sau mỗi lần đi chợ, thấy nhiều bao đựng gạo, hành tỏi, dây nhựa cột hàng thường bị bỏ đi, tôi đã nghĩ ra ý tưởng dùng những sợi dây nhựa để làm túi xách".

 

 
Chị Trần Thị Ngọc Hương chia sẻ

Còn chị Trần Hoàng Diễm Phúc (tổ dân phố 3) lại dùng chính những sản phẩm nhựa dùng một lần trong gia đình để tạo ra những vật dụng có ích, làm đẹp không gian sống. Từ những chiếc ống hút nhựa cùng với một ít giấy thừa, chị Phúc đã kết thành bình hoa, bó hoa nhựa để trang trí trong nhà và trở thành những món quà kỷ niệm trao tay gửi đến người thân và bạn bè. Với những chiếc can, thùng nhựa 5PE rất khó phân hủy, chị Phúc đã biến tấu chúng thành những chiếc chậu theo hình các con vật ngộ nghĩnh để trồng rau, trồng cây tạo không gian xanh. Đặc biệt, chị đã dùng những chai nhựa đựng nước bỏ đi để tạo ra chiếc quạt Eco-cooler, đây là một dạng điều hòa giúp nhiệt độ giảm đi 5oC so với thông thường mà không cần sử dụng nhiều điện năng hay gây hại cho tầng Ozon như các sản phẩm làm lạnh khác. Đồng thời chị Phúc còn tích cực tuyên truyền, vận động chị em và người dân trong tổ dân phố cùng làm để góp phần hạn chế thải rác thải nhựa ra môi trường.

 

Chị Trần Hoàng Diễm Phúc (áo nâu) tham gia phần thi sáng tạo các sản phẩm thân thiện với môi trường tại Hội thi Cán bộ, hội viên giỏi do phường Thắng Lợi tổ chức.
Chị Trần Hoàng Diễm Phúc (áo nâu) tham gia phần thi sáng tạo các sản phẩm thân thiện với môi trường tại Hội thi Cán bộ, hội viên giỏi do phường Thắng Lợi tổ chức.

 

Ngoài ý tưởng làm túi xách, hoa nhựa, chế tạo quạt điều hòa từ rác thải nhựa, với sự khéo léo, sáng tạo phong phú của mình, nhiều hội viên, phụ nữ trên địa bàn phường Thắng Lợi cũng đã tận dụng những phế liệu để tạo nên những sản phẩm tái chế hữu ích như giá thể trồng nấm, những bộ đồ thời trang, kệ sách, hộp đựng bút, thước kẻ, mô hình dạy học...

Chủ tịch Hội LHPN phường Thắng Lợi Nguyễn Thị Vân Anh cho biết: “Hưởng ứng phong trào “chống rác thải nhựa”, Hội LHPN phường đã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức, thay đổi hành vi của phụ nữ trong thu gom, phân loại rác thải cũng như biến rác thải nhựa, rác thải tái chế thành sản phẩm có ích. Qua đó, đã hạn chế  việc sử dụng túi ni lông, đồ nhựa sử dụng một lần mà thay vào đó là các sản phẩm thân thiện với môi trường như túi giấy, đồ thủy tinh, làn nhựa…”.

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.