Huyện Krông Pắc chăm lo đời sống các gia đình chính sách
Với mục tiêu chăm lo cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng, những năm qua huyện Krông Pắc đã triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi để người có công và gia đình người có công cải thiện cuộc sống.
Theo đó, việc thực hiện các chế độ chính sách ưu đãi đối với thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và gia đình người có công bao gồm: hỗ trợ về nhà ở; trợ cấp một lần hoặc trợ cấp, phụ cấp hằng tháng; cấp thẻ bảo hiểm y tế; điều dưỡng phục hồi sức khỏe; tiền tuất, trợ cấp nuôi dưỡng; mai táng phí; ưu đãi giáo dục...
Gia đình bà H’Ni Niê (buôn Kréh A, xã Ea Knuếc) là gia đình có công với cách mạng. Trước điều kiện sống còn nhiều khó khăn của bà, UBND xã đã kiến nghị huyện Krông Pắc hỗ trợ xây nhà Tình nghĩa. Sau khi kiểm tra thực tế, UBND huyện đã đồng ý hỗ trợ 50 triệu đồng từ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của huyện, UBND xã hỗ trợ thêm 20 triệu đồng, số còn lại hơn 100 triệu đồng do gia đình và người thân hỗ trợ. Đầu tháng 7-2020, huyện đã bàn giao ngôi nhà Tình nghĩa cho gia đình bà H’Ni Niê.
Huyện Krông Pắc bàn giao nhà Tình nghĩa cho gia đình bà H’Ni Niê, xã Ea Knuếc. |
Còn với ông Hồ Viết Quang (thôn Tân Thành, xã Hòa An) đã từng tham gia đội du kích xã Bình Triều (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) và bị thương. Di chứng vết thương chiến tranh khiến ông bị mù hai mắt. Do cuộc sống khó khăn nên mặc dù bị mù, ông vẫn phải làm rẫy để nuôi con. Đến năm 1985, khi các con của ông đã lớn, gánh nặng kinh tế giảm và các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước đối với người có công với cách mạng cơ bản bảo đảm được cuộc sống nên ông quyết định nghỉ làm rẫy để an dưỡng tuổi già. Hiện tại, gia đình ông được hưởng chế độ chính sách 8 triệu đồng/tháng, bao gồm chế độ chính sách người có công với cách mạng và người chăm sóc. Bản thân ông bị bệnh tim, mắt mù, chủ yếu chỉ ở nhà làm bạn với chiếc radio để nắm bắt tin tức thời sự nên ông luôn nhận được sự ưu tiên đến thăm hỏi, động viên của các cơ quan, đơn vị vào mỗi dịp lễ, Tết.
Không chỉ những thương, bệnh binh, người trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc mà thân nhân của các gia đình liệt sĩ cũng nhận được sự chăm lo chu đáo. Bà Trần Thị Hường (thôn Tân Tiến, xã Hòa An) cho hay, hiện nay bà đang thờ phụng ba liệt sĩ là chồng Nguyễn Hữu Thu, chị chồng Nguyễn Thị Bang, anh chồng Nguyễn Hữu Hợp. Ngoài số tiền nhận trợ cấp hằng tháng theo quy định thì hằng năm, bà còn nhận được sự quan tâm, thăm hỏi của chính quyền địa phương. Các cháu thanh, thiếu niên trong xã cũng thường đến thăm và hỗ trợ gia đình bà vệ sinh vườn tược, trồng cây cảnh… Hai người con của bà nhờ được hưởng các chính sách ưu đãi dành cho con em thương binh, liệt sĩ nên được học hành tử tế và đang có công ăn việc làm ổn định. Hằng tháng cán bộ chính sách đến tận nhà để trao tiền trợ cấp và thăm hỏi, động viên nên bà rất vui.
Ông Hồ Viết Quang (bìa trái) phấn khởi khi được cán bộ xã đến thăm. |
Ông Lê Văn Minh, cán bộ công chức văn hóa xã hội xã Hòa An cho hay, toàn xã hiện có 250 đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, thương binh… Hiện tại ông đang kiêm nhiệm thực hiện nhiều nhiệm vụ theo phân công của UBND xã, nhưng việc thực hiện các chính sách đối với gia đình chính sách, người có công với cách mạng luôn được ưu tiên hàng đầu. Cụ thể như phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn huyện tổ chức thăm và trao quà tặng của Trung ương, UBND tỉnh và xã cho người có công với cách mạng; chi trả tiền trợ cấp hằng tháng cho các gia đình chính sách kịp thời, đúng quy định…
Ông Huỳnh Văn Cúc, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Krông Pắc cho hay, ông có thâm niên trong lĩnh vực thực hiện nhiệm vụ chăm lo cho các gia đình chính sách trên địa bàn hơn 30 năm nay. Ngoài thực hiện chi trả theo chế độ người có công với cách mạng thì huyện còn xây dựng và vận hành hiệu quả Quỹ đền ơn đáp nghĩa. Riêng từ đầu năm đến nay, huyện đã huy động hơn 574,8 triệu đồng để hỗ trợ sửa chữa, làm mới 20 nhà ở cho người có công khó khăn về nhà ở, 2 mô hình chăn nuôi bò cho đối tượng chính sách. Để chăm lo tốt hơn cho người có công với cách mạng, thời gian tới huyện sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực người có công; tiếp tục vận động xã hội hóa, rà soát những đối tượng người có công thuộc hộ nghèo để kịp thời hỗ trợ, kết nối… tạo nguồn phát triển kinh tế gia đình. Đồng thời tiến hành thanh, kiểm tra thường xuyên công tác xác nhận và thực hiện chế độ ưu đãi đối với người có công trên địa bàn.
Theo thống kê của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Krông Pắc, toàn huyện hiện có gần 2.500 gia đình chính sách, người có công với cách mạng, trong đó 1.422 đối tượng hưởng trợ cấp hằng tháng. |
Nhật Minh
Ý kiến bạn đọc