Multimedia Đọc Báo in

Những "Bữa sáng yêu thương"

09:23, 27/10/2020

Không chỉ miệt mài, cần mẫn “gieo” chữ ở vùng khó, các thầy, cô giáo ở Trường Tiểu học Ea Truôl (xã Ea Hồ, huyện Krông Năng) còn tự tay thực hiện những bữa ăn sáng dành cho học sinh nghèo.

Trường Tiểu học Ea Truôl có 246 học sinh, tất cả đều là con em đồng bào Êđê, cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Bố mẹ các em chủ yếu làm nương rẫy, đi làm từ rất sớm, nên nhiều em thường phải nhịn ăn sáng đến lớp. Nhiều hôm, ở những tiết học cuối cùng, giáo viên mới phát hiện một số em có biểu hiện mệt mỏi, không còn sức lực, hỏi ra thì mới biết buổi sáng các em chưa ăn gì nên gần đến trưa thì người đói lả đi.

Bữa ăn sáng tại Trường  Tiểu học  Ea Truôl do các  thầy cô nấu cho học sinh.
Bữa ăn sáng tại Trường Tiểu học Ea Truôl do các thầy cô nấu cho học sinh.

Thương học sinh của mình, từ tháng 4-2019, thầy cô giáo trong trường đã bàn bạc với nhau tổ chức chương trình “Bữa sáng yêu thương” nhằm giúp các em vơi bớt khó khăn, có những bữa sáng được ăn no.

Để có nguồn kinh phí thực hiện, giáo viên trong trường đã tự nguyện trích tiền lương hằng tháng đóng góp. Ngoài ra, chương trình cũng nhận được sự hỗ trợ của đoàn viên, thanh niên Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Năng; chùa Thiền Tôn Phật Quang ở Vũng Tàu và nhiều người dân quyên góp gạo, củi nấu…

Nhưng do thiếu nguồn nhân lực, kinh phí thực hiện còn hạn chế, trường chỉ có thể tổ chức mỗi tuần một bữa ăn sáng cho học sinh. Do vậy, thầy cô giáo đã chọn sáng thứ sáu cuối tuần để cùng nhau thực hiện chương trình, giúp các em có động lực đi học đều đặn.

Thầy cô giáo Trường Tiểu học Ea Truôl chuẩn bị bữa ăn sáng cho học sinh.
Thầy cô giáo Trường Tiểu học Ea Truôl chuẩn bị bữa ăn sáng cho học sinh.
 
Nhà trường cũng mong muốn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn của các mạnh thường quân để chương trình được duy trì lâu dài, các em có thêm nhiều bữa ăn sáng đầy đủ hơn”.
 
Cô Hoàng Thị Hồng Vân, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ea Truôl, xã Ea Hồ, huyện Krông Năng

Hầu hết thầy cô đều ở trung tâm huyện, cách trường khoảng 7 km, nên để có bữa ăn chu đáo cho học sinh, nhiều thầy cô giáo phải xuất phát từ lúc 4 giờ 30 phút sáng. Đến nơi, thầy cô bắt đầu phân công nhau người xách nước, người vo gạo, nhóm lửa…

Đến 7 giờ sáng, nồi cháo đã được nấu xong. Sợ cháo nóng, học sinh dễ bị bỏng, các cô phải để nguội, học xong hai tiết đầu mới sắp xếp cho các em ăn sáng. Vào dịp nghỉ hè, những bữa sáng yêu thương vẫn được thầy cô duy trì thực hiện. Ngoài nấu cháo, thầy cô chủ động thay đổi thực đơn bữa sáng cho các em bằng nấu bún, nui, mì tôm, xôi… Trung bình mỗi bữa chi phí hết khoảng 800.000 đồng.

Cô Lê Thị Huệ, Tổng phụ trách Đội của trường chia sẻ, nhiều khi mưa gió, trời tối đen như mực, các cô phải mặc áo mưa, chờ nhau cùng vào trường. Đến nơi, ai nấy đều ướt sũng, lạnh rét. Do nhà trường không có phòng bếp nên thầy cô đã sử dụng nhà xe cũ làm chỗ để củi, nấu cháo và cắt thùng phi ra làm chiếc kiềng nấu. Càng vất vả hơn khi xung quanh khu vực nấu không có gì che chắn, mưa gió hắt vào người ngồi nấu cũng bị ướt, củi ẩm mốc, đốt lên nghi ngút khói, nhưng vì thương học trò, nghĩ đến những gương mặt rạng rỡ của các em khi được ăn một bữa sáng no đủ, thầy cô lại vui vẻ động viên nhau cùng cố gắng. Chính những bữa sáng đầy ắp tình yêu thương đã tạo sự gắn kết giữa thầy, cô giáo và học sinh, tiếp sức cho các em có thêm động lực, niềm vui đến trường.

Nguyễn Phương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.