Multimedia Đọc Báo in

Các địa phương khẩn trương khắc phục thiệt hại do mưa bão

08:36, 12/11/2020

Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 12, trên địa bàn tỉnh đã có mưa lớn, gây lũ, lụt khiến nhiều địa phương bị thiệt hại nặng nề. Hiện mưa đã ngớt, nước lũ cơ bản rút, chính quyền và nhân dân các nơi bị thiệt hại khẩn trương khắc phục hậu quả.

Đến ngày 11-11, trên địa bàn tỉnh đã hết mưa, ở các địa phương bị ngập nặng, nước cơ bản đã rút. Tại huyện Lắk, một số buôn bị ngập sâu, sạt lở nặng như: buôn Yang Lah 1 và thôn Hòa Bình 1 (xã Đăk Liêng), nhiều hộ dân phải di dời đến nơi an toàn nay đã trở về nhà, ổn định cuộc sống. Chị Nguyễn Thị Phượng, thôn Hòa Bình 1 cho biết, mưa to, đất đá trên đồi đổ ập xuống làm sập phía sau nhà. May mà trước đó, gia đình đã kịp di dời khi thấy mưa lớn và có hiện tượng lở đất nên không thiệt hại về người. Hiện gia đình đang khẩn trương khắc phục, giờ chỉ mong Nhà nước hỗ trợ đất để di dời đến nơi an toàn.

Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Lắk, trên địa bàn huyện có 4 căn nhà bị sập, 400 nhà bị ngập và chia cắt, gần 500 ha cây trồng các loại bị ngập, nhiều tuyến đường giao thông, cầu cống, công trình thủy lợi bị hư hại. Ngay khi thiên tai xảy ra, UBND huyện Lắk đã thành lập đoàn đi kiểm tra, chỉ đạo các lực lượng tại chỗ ứng phó kịp thời, hỗ trợ người dân di dời người và tài sản đến nơi an toàn.

Đoàn công tác của Sở NN-PTNT, UBND huyện Lắk kiểm tra và thăm hỏi các hộ bị sạt lở đất gây hư hỏng nhà cửa. Ảnh: Minh Thuận
Đoàn công tác của Sở NN-PTNT, UBND huyện Lắk kiểm tra và thăm hỏi các hộ bị sạt lở đất gây hư hỏng nhà cửa. Ảnh: Minh Thuận

Ông Nguyễn Xuân Hoản, quyền Chủ tịch UBND huyện Lắk cho biết, do ảnh hưởng của cơn bão số 12, trên địa bàn huyện có mưa lớn kéo dài, gây ngập lụt nhiều địa phương. Ngay khi xảy ra, UBND huyện tổ chức đoàn đi kiểm tra, chỉ đạo các lực lượng tại chỗ ứng phó kịp thời, hỗ trợ người dân di dời người và tài sản đến nơi an toàn. Đến sáng ngày 11-11, khi nước lũ  đã rút, người dân từ nơi di dời đã trở về nhà, ổn định cuộc sống. Đối với những khu vực bị sạt lở, huyện sẽ chỉ đạo các phòng chức năng thống kê lại mức độ thiệt hại cũng như nguy cơ trong thời gian tới để có giải pháp phù hợp hỗ trợ người dân.

Tại huyện M’Drắk, huyện đã tổ chức đoàn công tác do ông Phạm Ngọc Thạch, quyền Chủ tịch UBND huyện vào khu vực lòng hồ thủy lợi Krông Pách thượng (xã Cư San) để chỉ đạo sơ tán 40 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm. UBND huyện tiếp tục chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện, UBND xã, thị trấn, các lực lượng chức năng thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình thời tiết; huy động các lực lượng tại chỗ hỗ trợ người dân nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai, đặc biệt là những vùng bị ảnh hưởng nặng.

Do ảnh hưởng của bão số 12, nhiều công trình giao thông trên địa bàn tỉnh bị ngập lụt, giao thông gián đoạn. Đơn cử như Quốc lộ 27 có đến 5 vị trí bị ngập cục bộ, với độ sâu từ 20 - 40 cm. Ngoài ra, trên tuyến đường này một số vị trí qua địa bàn huyện Lắk bị sạt lở mái taluy dẫn đến cây cối, đất đá đổ xuống đường gây ách tắc giao thông.

Mố cầu của cầu Dumah (huyện Lắk) bị xói lở nặng do nước lũ.  Ảnh: M.Thuận
Mố cầu của cầu Dumah (huyện Lắk) bị xói lở nặng do nước lũ. Ảnh: Minh Thuận

Nhận được thông tin, ngay trong ngày 10-11, Sở Giao thông vận tải đã chỉ đạo nhà thầu quản lý, bảo dưỡng thường xuyên; đồng thời phối hợp cơ quan chức năng hướng dẫn các phương tiện giao thông đi đường tránh khác để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện.

Tương tự, trên các tuyến tỉnh lộ, một số ngầm tràn bị ngập sâu, đơn cử trên Tỉnh lộ 13 đoạn qua huyện M’Drắk, đơn vị quản lý tuyến đã bố trí lực lượng, phối hợp với chính quyền địa phương hai xã Cư Prao, Ea Lai cắm biển cảnh báo nguy hiểm, hướng dẫn giao thông ở các khu vực bị ngập sâu để người dân biết. Đến ngày 11-11, các vị trí bị ảnh hưởng bão số 12 cơ bản được khắc phục, bảo đảm giao thông thông suốt.

Riêng đối với các vị trí sạt lở và có nguy cơ sạt lở cao, Sở Giao thông vận tải đã chỉ đạo các đơn vị quản lý tuyến tiếp tục rà soát, thống kê, triển khai phương án khắc phục điểm sạt lở, tuyệt đối không để ùn tắc giao thông kéo dài ở các vị trí này. Bên cạnh đó, Sở cũng chỉ đạo các phòng, ban thuộc đơn vị phối hợp với các nhà thầu quản lý, bảo dưỡng thường xuyên, tăng cường công tác tuần tra, đặc biệt tại các vị trí xung yếu (cầu, cống, các đoạn đèo, dốc có nguy cơ sạt lở cao,…) sớm phát hiện sự cố, hư hỏng công trình đường bộ. Đồng thời bố trí nhân lực, vật tư, thiết bị để chủ động khắc phục, hạn chế phát sinh thêm các hư hỏng, đảm bảo giao thông thông suốt.

Điểm sạt lở  trên tuyến đường xã Cư Pui  đi Yang Hăn  (xã Cư Drăm,  huyện Krông Bông)  được khắc phục tạm để người dân đi lại.  Ảnh: M. Thuận
Điểm sạt lở trên tuyến đường xã Cư Pui đi Yang Hăn (xã Cư Drăm, huyện Krông Bông) được khắc phục tạm để người dân đi lại. Ảnh: Minh Thuận

Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, tính đến 16 giờ ngày 11-11, toàn tỉnh có gần 2.000 hộ dân bị ngập lụt và chia cắt, tập trung chủ yếu ở huyện Krông Bông và Lắk; gần 800 ha cây trồng bị ngập lụt; nhiều điểm đường giao thông, cầu tràn bị ngập nặng; xuất hiện một số điểm bị sạt lở đất núi ở xã Hòa Lễ (huyện Krông Bông) và xã Đắk Liêng (huyện Lắk). Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh tiếp tục chỉ đạo Ban Chỉ huy cấp huyện, UBND các xã, thị trấn; các lực lượng chức năng khẩn trương nắm bắt, kiểm tra tình hình mưa bão và tổ chức trực ban phòng chống mưa, bão, lũ, đặc biệt là những vùng trọng yếu có nguy cơ cao; thường xuyên thông báo tình hình mưa, bão, lũ để nhân dân chủ động ứng phó, hạn chế đi lại trong vùng nguy hiểm, ngập lũ để đảm bảo an toàn tính mạng.

Ông Mai Trọng Dũng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, mặc dù hiện mưa đã ngớt, tuy nhiên do mưa lớn trước đó ở vùng thượng lưu nên mực nước ở hạ lưu vẫn đang tiếp tục lên cao, các huyện Cư Kuin, Krông Bông, Lắk nhiều nơi vẫn tiếp tục bị ngập. Sở NN-PTNT tiếp tục chỉ đạo các địa phương, chủ công trình thủy lợi, thủy điện theo dõi chặt tình hình diễn biến của mưa bão để có phương án ứng phó kịp thời.

Minh Thuận - Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.