Multimedia Đọc Báo in

Địa chỉ của những tấm lòng vàng: Gia cảnh nghèo khó của vợ chồng có con mắc bệnh tan máu bẩm sinh

08:41, 19/11/2020

Vợ chồng anh Y Nuễn Niê (31 tuổi) và chị H’Kriết Kbuôr (27 tuổi), ở buôn Dhung, xã Cư M’gar (huyện Cư M’gar) sinh được hai bé gái.

Trong đó, bé đầu lớn lên khỏe mạnh bình thường. Bé thứ hai là cháu H’Lanh Kbuôr sinh ngày 6-12-2018, sau khi sinh một tuần thì bị sốt cao, các bác sĩ Bệnh viện huyện Cư M’gar chẩn đoán cháu bị bệnh Thalassemia (tan máu bẩm sinh) kèm viêm phổi nặng. Sau khi điều trị tại bệnh viện 25 ngày thì bé H’Lanh được xuất viện song từ đó đều đặn hằng tháng cháu đều phải nhập viện từ 10 - 15 ngày để được truyền máu và chữa bệnh.

Con mắc bệnh, hoàn cảnh của gia đình anh Y Nuễn ngày càng khó khăn hơn. Chị H’Kriết thường xuyên phải ở nhà chăm sóc con; nguồn sống của cả nhà chỉ trông vào 600 m2 ruộng nước và 2 sào rẫy bạc màu chỉ trồng được cây khoai mì. Anh Y Nuễn Niê đi làm thuê kiếm tiền ăn uống hằng ngày; nhiều tháng còn không thể lo nổi khoản chi phí để nhập viện, thuốc thang cho con. Chị H’Kriết còn có người mẹ già bệnh tật. Làm lụng vất vả để cáng đáng gia đình khiến sức khỏe của anh Y Nuễn cũng yếu dần. Những khi anh đau ốm, không đi làm được thì cả nhà chẳng có gì ăn, bữa ăn chỉ có rau và mắm muối.

Chị H’Kriết và con gái H'Lanh.
Chị H’Kriết và con gái H'Lanh.

Đến nay bé H’Lanh đã hơn 2 tuổi nhưng chỉ nặng 5,5 kg, thân hình gầy còm, nhợt nhạt vì thiếu máu. Ngôi nhà của gia đình hầu như chẳng có tài sản gì đáng giá, ngay cả chiếc bàn học cho cô con gái lớn cũng không có, 2 sào đất rẫy bạc màu bán cũng không ai mua.

Hoàn cảnh đáng thương của cháu bé H’Lanh rất mong nhận được sự chia sẻ, giúp đỡ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân có tấm lòng hảo tâm. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: Anh Y Nuễn Niê, chị H’Kriết Kbuôr, ở buôn Dhung, xã Cư M’gar, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk; hoặc Quỹ Tấm lòng vàng, Báo Đắk Lắk, 23 Lê Duẩn, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Minh Nhật

 

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.