Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả đào tạo nghề cho phụ nữ nông thôn

08:37, 26/11/2020

Thời gian qua, Hội LHPN xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) luôn chú trọng công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho hội viên, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số, qua đó giúp chị em có thêm kiến thức phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Trước đây, kinh tế của gia đình chị H’Yăm Bkrông (buôn Cư Êbông) phụ thuộc vào hơn 5 sào cà phê già cỗi nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn.

Năm 2003, chị được Hội LHPN xã hỗ trợ học nghề dệt thổ cẩm. Sau 3 tháng học nghề, chị và các học viên đều biết dệt thành thạo các sản phẩm như y phục nam nữ, túi xách, khăn trải bàn và được giới thiệu việc làm tại HTX Dệt thổ cẩm Tơng Bông với nguồn thu nhập ổn định trung bình từ 3,2 – 3,5 triệu đồng/tháng.

Bên cạnh đó, khi người dân trong vùng đặt hàng các sản phẩm như chăn, quần áo, vải… chị vẫn nhận để làm lúc nhàn rỗi, kiếm thêm thu nhập. Hiện nay, cả ba chị em trong gia đình chị đều học nghề dệt và được nhận vào làm tại HTX Dệt thổ cẩm Tơng Bông.

Để thu hút khách hàng, ngoài họa tiết truyền thống, chị em H’Yăm còn học thêm cách tạo nên hoa văn độc đáo phù hợp với thị hiếu của người sử dụng.

Chị H’Yăm chia sẻ: “Những năm gần đây, khi các bà, các mẹ trong buôn đã lớn tuổi, không còn đủ sức để giữ nghề, lớp trẻ lại có sự lựa chọn riêng, số chị em biết dệt trong buôn ngày càng ít đi. Chị em chúng tôi tham gia học nghề dệt không chỉ có thêm thu nhập trang trải cuộc sống mà còn có thể gìn giữ và phát huy giá trị của nghề dệt thổ cẩm truyền thống”.

Chi H'Yăm Bkrông (bên trái) chia sẻ về việc giữ gìn nghề dệt truyền thống.
Chi H'Yăm Bkrông (bên trái) chia sẻ về việc giữ gìn nghề dệt truyền thống.
“Công tác đào tạo nghề cho phụ nữ nông thôn giúp chị em lựa chọn những ngành nghề phù hợp, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, vừa tạo cơ hội cho chị em nâng cao vị thế trong xã hội”.
chị Trịnh Thị Tuyết, Chủ tịch Hội LHPN xã Ea Kao.

Năm 2018, sau khi học xong nghề may, chị H’Nem Bkrông (buôn H’đớk) đã quyết định đầu tư mua sắm máy móc, vật liệu để mở cơ sở may tại nhà. Với tay nghề thành thạo, đường may khéo léo, chị H’Nem được bà con trong buôn đặt may rất nhiều sản phẩm. Nhận thấy địa phương có lợi thế về dệt thổ cẩm, chị H’Nem nhận vải thổ cẩm của bà con về may thành sản phẩm hoàn thiện theo đơn của khách hàng. Ngoài ra, chị còn nhận may trang phục cách tân của người Êđê, đính kết thêm hạt cườm cho các cơ sở bán, cho thuê trang phục biểu diễn. “Từ ngày mở tiệm may, tôi có thêm từ 3 - 4 triệu đồng/tháng, vừa có việc làm tăng thu nhập nhưng vẫn có thể chăm sóc con cái đi học và phụ giúp gia đình công việc nương rẫy”, chị H’Nem tâm sự.

Hội LHPN xã Ea Kao hiện có trên 2.700 hội viên tham gia sinh hoạt, trong đó có trên 40% hội viên là người dân tộc thiểu số, đa phần đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Hội đã khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nữ tại địa phương, chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp với các trung tâm, cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh mở các lớp dạy nghề miễn phí. Từ năm 2010 đến nay, Hội tổ chức được trên 30 lớp đào tạo nghề dệt thổ cẩm, may công nghiệp, chăn nuôi thú y, xây dựng, sửa chữa máy nông nghiệp, điện dân dụng, trồng và khai thác nấm… cho gần 1.000 lượt chị em. Sau học nghề, đa số học viên đều áp dụng vào cuộc sống. Trong đó, nhiều chị em tự tạo việc làm tại chỗ từ nghề dệt, may, chăn nuôi và áp dụng kỹ thuật đã được học để sửa chữa điện dân dụng, máy nông nghiệp trong gia đình.

Chị H'Nem kiểm tra lại các sản phẩm thổ cẩm trước khi giao cho khách hàng.
Chị H'Nem kiểm tra lại các sản phẩm thổ cẩm trước khi giao cho khách hàng.

Nhận thấy địa phương có tiềm năng du lịch, qua khảo sát nhu cầu của chị em, tháng 8-2020, Hội LHPN xã đã mở một lớp dạy nghề nấu ăn với 35 thành viên tham gia. Sau 3 tháng học, các học viên được cấp chứng chỉ, có thể xin việc tại các khu du lịch trên địa bàn và hướng tới phát triển du lịch cộng đồng trong thời gian tới.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.