Huyện Cư M'gar: Tích cực triển khai chương trình về vệ sinh và nước sạch nông thôn
Là một trong những địa phương được hưởng lợi từ Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” giai đoạn 2016 – 2020 (gọi tắt là Chương trình), thời gian qua, huyện Cư M’gar đã tích cực triển khai chương trình nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Xã Quảng Hiệp hiện có 2.756 hộ, sinh sống ở 12 thôn, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 24%. Thời điểm được chọn tham gia Chương trình năm 2017, toàn xã chỉ có 67,1% số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh, 74,3% số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh. Những thôn có đông đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh thấp, chỉ đạt hơn 40%. Việc vận động người dân làm nhà tiêu hợp vệ sinh gặp nhiều trở ngại do đời sống của các hộ còn khó khăn, nhiều hộ chỉ dựng tạm bằng ván, tôn sơ sài gây ảnh hưởng xấu đến cảnh quan, môi trường, tỷ lệ người dân bị nhiễm các bệnh về đường tiêu hóa cao...
Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi đã có ý thức thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. |
Chủ tịch UBND xã Quảng Hiệp Ngô Minh Đức cho biết, để triển khai thực hiện Chương trình, xã đã chỉ đạo trạm y tế và các đoàn thể, ban tự quản thôn đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện vệ sinh môi trường bằng nhiều hình thức như phát tờ rơi, tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh, tư vấn trực tiếp nhằm thay đổi hành vi, tập quán sinh hoạt hằng ngày của người dân; khảo sát nhu cầu xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh của các hộ để có biện pháp hỗ trợ…
Năm 2020, huyện Cư M’gar tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình tại 4 xã gồm: Cư Dliê M'nông, Ea Tar, Cư M’gar và Cuôr Đăng với mục tiêu xây mới và cải tạo tổng số 937 nhà tiêu hợp vệ sinh, nâng cấp, sửa chữa 3 công trình cấp nước và vệ sinh trạm y tế nhằm đạt tỷ lệ trên 70% hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh, trên 80% hộ gia đình có điểm rửa tay, có xà phòng và nước. |
Bên cạnh đó, từ nguồn vốn của Chương trình, xã Quảng Hiệp còn có Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi và Trường THCS Phan Đình Phùng được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa, nâng cấp khu vệ sinh cho học sinh và giáo viên. “Khu nhà vệ sinh của học sinh được xây dựng, sửa chữa khang trang, có khu riêng cho nam, nữ và khu vực rửa tay có xà phòng, vòi nước chảy. Chúng em luôn có ý thức giữ gìn vệ sinh chung nên khu vực vệ sinh luôn sạch sẽ”, em Trương Nhã Trân, học sinh lớp 4A3, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi chia sẻ.
Qua hơn 3 năm triển khai Chương trình, toàn xã đã có 100 hộ được hỗ trợ làm nhà tiêu hợp vệ sinh với mức 50 USD/hộ; gần 300 hộ xây mới, cải tạo nhà vệ sinh; 768 hộ thiết lập điểm rửa tay bằng xà phòng. Đến cuối năm 2019, toàn xã có 78,4% hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh, 75,8% hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh, 90,6% hộ có điểm rửa tay bằng xà phòng và được công nhận đạt “Vệ sinh toàn xã”.
Người dân xã Ea Tul (huyện Cư M'gar) sử dụng nước hợp vệ sinh từ công trình cấp nước tập trung. |
Không chỉ ở xã Quảng Hiệp, từ năm 2017 đến 2019, huyện Cư M’gar đã triển khai Chương trình tại xã Ea Kpam và Ea M’nang. Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar Y Wem Hwing cho biết, khi triển khai Chương trình, huyện gặp rất nhiều khó khăn do địa bàn rộng, dân cư sống không tập trung; trình độ dân trí của một số hộ còn thấp, còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước; kỹ năng truyền thông, đánh giá của một số cán bộ cơ sở còn hạn chế. Bên cạnh đó, kinh phí hằng năm cấp muộn và chưa đáp ứng nhu cầu nên đã ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng Chương trình...
Khắc phục những khó khăn đó, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch triển khai và giám sát Chương trình, tập huấn cho cán bộ xã và cán bộ y tế cơ sở, tổ chức truyền thông trên phương tiện thông tin đại chúng và tuyên truyền vận động tại cộng đồng, ký văn bản cam kết thực hiện Chương trình, phối hợp tổ chức kiểm đếm các chỉ tiêu và giám sát để duy trì tính bền vững với các xã đã đạt “Vệ sinh toàn xã”. Nhờ vậy, đến cuối năm 2019, huyện Cư M’gar có 3 xã đạt và duy trì “Vệ sinh toàn xã” gồm: Ea Kpam, Quảng Hiệp, Ea M’nang.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc