Multimedia Đọc Báo in

Nghĩa tình những ngôi nhà Đại đoàn kết

09:02, 24/11/2020

Để giúp những gia đình khó khăn, chưa có nhà ở được “an cư, lạc nghiệp”, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã nỗ lực huy động mọi nguồn lực xây nhà Đại đoàn kết tặng các hộ nghèo trên địa bàn tỉnh.

Mới đây, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã bàn giao 2 nhà Đại đoàn kết tại huyện Lắk tặng bà H’Nét Liêng (90 tuổi, trú buôn Hang Ja, xã Bông Krang, có con nuôi là liệt sĩ Y Dơng Liêng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước) và gia đình chị H’Nang Kjiê (SN1991, trú buôn R’Jai, xã Nam Ka, là hộ gia đình chính sách), mỗi căn nhà được Mặt trận hỗ trợ 100 triệu đồng. Chứng kiến niềm vui của bà H’Nét Liêng và gia đình chị H’Nang Kjiê mới phần nào cảm nhận được ý nghĩa, giá trị to lớn mà món quà, theo đúng tên gọi của nó là “Đại đoàn kết”.

Vợ chồng chị H’Nang Kjiê (thứ 5 từ phải sang) trong ngày vui về nhà Đại đoàn kết.
Vợ chồng chị H’Nang Kjiê (thứ năm từ phải sang) trong ngày vui về nhà Đại đoàn kết.

Song song với chương trình xây nhà Đại đoàn kết, năm 2020, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cũng hỗ trợ xây dựng 764 nhà theo Chương trình 167, với mức hỗ trợ từ 1,5 – 3 triệu đồng/nhà tùy theo địa phương. Với hai chương trình triển khai song song này, đến nay Đắk Lắk cơ bản hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn.

Theo Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh H’Kim Hoa Byă thì một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh xác định ngay từ đầu năm là dồn mọi nguồn lực, triển khai chương trình xây dựng nhà Đại đoàn kết tặng các hộ nghèo, hướng đến mục tiêu xóa bỏ nhà tạm, nhà dột nát trong thời gian sớm nhất. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chỉ đạo Mặt trận các cấp rà soát thực trạng hộ nghèo có nhu cầu về nhà ở để xây dựng lộ trình, có kế hoạch kêu gọi, vận động các nguồn lực và phân bổ kinh phí cụ thể hỗ trợ cho từng đơn vị. Trên cơ sở danh sách, hồ sơ các địa phương đề xuất, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức đoàn đi thực tế khảo sát, thẩm định, phê duyệt cũng như xác định mức hỗ trợ phù hợp, bảo đảm công khai, dân chủ, công bằng đúng đối tượng. Đối với những gia đình quá khó khăn, không có nguồn vốn đối ứng để xây nhà thì có giải pháp linh động, tháo gỡ khó khăn qua thực hiện phương châm “3 huy động” (huy động gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư đóng góp) để bảo đảm đủ nguồn lực, xây dựng nhà đạt chất lượng; những gia đình chưa có đất ở thì phối hợp vận động anh em trong gia đình cho tặng đất để có đất ở ổn định, lâu dài, đủ điều kiện xây nhà theo quy định.

Để có kinh phí hỗ trợ, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, huy động cả hệ thống chính trị cùng chung tay vào cuộc, tích cực hưởng ứng đóng góp xây dựng Quỹ Vì người nghèo, nhất là vào Tháng cao điểm Vì người nghèo hằng năm ở cả 3 cấp từ tỉnh đến xã; đồng thời tranh thủ các mối quan hệ, kêu gọi các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh cùng đồng hành với địa phương thực hiện phương châm “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh bàn giao nhà Đại đoàn kết tặng bà H’Nét Liêng.
Đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh bàn giao nhà Đại đoàn kết tặng bà H’Nét Liêng.

Kết quả giai đoạn 2014 - 2019, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã huy động được 88,7 tỷ đồng, giải ngân hỗ trợ xây mới 1.662 nhà, sửa chữa 251 nhà cho người nghèo; riêng từ đầu năm 2020 đến nay đã hỗ trợ xây dựng 389 nhà Đại đoàn kết, trị giá 15 tỷ 915 triệu đồng; hỗ trợ sửa chữa 36 nhà, trị giá 322 triệu đồng. Có thể nói đây là con số ý nghĩa, cho thấy nỗ lực rất lớn của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trong bối cảnh tổ chức Mặt trận cùng lúc phải triển khai rất nhiều chương trình an sinh xã hội khác. Hiệu quả từ chương trình xây dựng nhà Đại đoàn kết cho thấy tổ chức Mặt trận đã khẳng định vai trò nòng cốt trong công tác tập hợp các tầng lớp xã hội, các tổ chức chính trị - xã hội, phát huy tối đa sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong triển khai thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Riêng đối với những gia đình được thụ hưởng xây nhà Đại đoàn kết thì nghĩa tình, tấm lòng, sự sẻ chia đùm bọc của cộng đồng sẽ tiếp thêm động lực, niềm tin, khuyến khích họ vươn lên xây dựng cuộc sống no ấm, hạnh phúc.

Đăng Triều

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.