Multimedia Đọc Báo in

Những bông hoa đẹp của núi rừng

09:05, 24/11/2020

Được sự hỗ trợ, quan tâm tạo điều kiện của các cấp, ngành, hội đoàn thể, nhiều sinh viên dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh nhà đã phát huy năng lực, nỗ lực phấn đấu, rèn luyện trở thành những tài năng trẻ cống hiến xây dựng quê hương, đất nước.

Tự tin gặt hái “quả ngọt”

Năng động, nhiệt huyết là nhận xét của thầy cô, bạn bè khi nói về nữ sinh viên H’Jôi Ayun (lớp Thú y K17A, Trường Đại học Tây Nguyên). Không chỉ biết cách sắp xếp thời gian học tập khoa học, tự học, tự nghiên cứu để trở thành sinh viên giỏi trong nhiều năm liền, H’Jôi còn rất nhiệt tình trong các phong trào Đoàn - Hội. Chỉ sau một năm học, H’Jôi đã được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Hội Sinh viên trường, đồng thời là Ủy viên Ban Thư ký Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam. Với vai trò “thủ lĩnh” sinh viên, H’Jôi đã cùng tập thể Ban Chấp hành Hội đề xuất nhiều hoạt động giúp sinh viên trau dồi kiến thức chuyên ngành, rèn luyện kỹ năng mềm, nêu cao ý thức tự rèn luyện và học tập; tham gia và đồng hành cùng tổ chức Hội Sinh viên trong các phong trào, hoạt động. H’Jôi chia sẻ: “Em hy vọng có thể cùng tổ chức hội các cấp hỗ trợ nhiều hơn nữa cho các bạn sinh viên có điều kiện khó khăn, các bạn ở vùng sâu vùng xa, vùng kinh tế còn chưa phát triển và trình độ dân trí còn hạn chế. Đặc biệt là các sinh viên DTTS, để các bạn có thể phát huy mọi tiềm năng và tri thức”.

Là một trong những đảng viên trẻ tiêu biểu người DTTS được kết nạp Đảng tại Trường Đại học Tây Nguyên khi đang là sinh viên năm thứ 6, bạn Lục Thị Hồng Hà (cựu sinh viên lớp Y Đa khoa K14B) đã có nhiều nỗ lực trong học tập, rèn luyện trở thành sinh viên xuất sắc, đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp tỉnh nhiều năm liền. Không chỉ có nhiều đóng góp cho hoạt động thiện nguyện tại địa phương bằng cách cùng các câu lạc bộ, đội nhóm tổ chức bán báo, bán kẹo, làm đồ handmade gây quỹ giúp đỡ người dân khó khăn, Hồng Hà còn là thành viên Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Một sức khỏe” (One Health) thuộc mạng lưới “Một sức khỏe” các trường đại học Việt Nam hoạt động về các bệnh truyền lây giữa động vật và người. Tốt nghiệp tháng 9 vừa qua với tấm bằng loại giỏi, Hà đã thực hiện ước mơ trở thành bác sĩ và hiện đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa.

Sinh viên dân tộc thiểu số vượt khó học giỏi chia sẻ kinh nghiệm học tập.
Sinh viên dân tộc thiểu số vượt khó học giỏi chia sẻ kinh nghiệm học tập.

Cũng giống H’Jôi, Hồng Hà, nhiều sinh viên DTTS đã nỗ lực không ngừng và gặt hái được “trái ngọt”, bước đầu chạm đến ước mơ. Trong số đó có thể kể đến bạn Y Luật Niê Kdăm (cựu sinh viên Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh) hiện đang công tác tại Tập đoàn Viễn thông FPT chi nhánh Đà Nẵng với mức lương khởi điểm 700 USD/tháng. Hay bạn trẻ Lương Thị Hoài (cựu sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk) hiện đang làm đại lý cho một nhãn hàng chăm sóc sức khỏe với thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng...

Cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ

Với vai trò là mặt trận đoàn kết, tập hợp, giáo dục thanh niên, sinh viên, đặc biệt là sinh viên DTTS, thời gian qua Hội LHTN, Hội Sinh viên tỉnh đã huy động các nguồn lực xã hội trao tặng hàng trăm suất học bổng cho sinh viên vượt khó, học giỏi; giới thiệu các sinh viên làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, Hội còn chủ động tham mưu nhiều nội dung, chương trình, hoạt động phù hợp dành riêng cho thanh niên DTTS như: Tuyên dương sinh viên DTTS sống đẹp, làm kinh tế giỏi, Ngày hội sinh viên sáng tạo… Trong đó chương trình Gặp mặt sinh viên dân tộc thiểu số được tổ chức định kỳ hằng năm từ cấp tỉnh đến cấp huyện là dịp để sinh viên DTTS tiêu biểu được gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm. Nhiều sinh viên tâm sự rằng, được tuyên dương là nguồn động viên rất lớn, mang lại cho các em sức mạnh, động lực mới trên quãng đường phấn đấu phía trước.

Trao học bổng hỗ trợ sinh viên dân tộc thiểu số có thành tích học tập tốt.
Trao học bổng hỗ trợ sinh viên dân tộc thiểu số có thành tích học tập tốt.

Hiện nay, toàn tỉnh có 2.157 sinh viên DTTS đang theo học tại các trường cao đẳng, đại học trên toàn quốc. Đây là đội ngũ trí thức góp phần quảng bá mảnh đất, con người và văn hóa đặc trưng của tỉnh nhà đến với bạn bè mọi miền Tổ quốc. Tuy nhiên, trên thực tế vấn đề giải quyết việc làm sau khi ra trường của sinh viên toàn tỉnh nói chung, sinh viên DTTS nói riêng còn gặp nhiều khó khăn, gây không ít băn khoăn, lo lắng cho sinh viên. Nhiều bạn sinh viên giỏi sau khi ra trường đã chuyển đến các tỉnh, thành phố khác để sinh sống và tìm kiếm việc làm.

Thiết nghĩ, để sử dụng hết nguồn nhân lực chất lượng tại chỗ, lực lượng trí thức trong vùng đồng bào DTTS, các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban ngành đoàn thể của tỉnh cần quan tâm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho sinh viên DTTS về tinh thần và vật chất trong quá trình học tập và công tác, tạo điều kiện về việc làm cho các em khi ra trường, xây dựng các phương án cụ thể để giúp đỡ các em phát triển bản thân; kịp thời động viên, cổ vũ, biểu dương những sinh viên có thành tích cao trong học tập, góp phần xây dựng, bồi dưỡng nhân tài cho tỉnh nhà.

Vân Anh

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.