Multimedia Đọc Báo in

Công trình lớn từ "Kế hoạch nhỏ"

08:49, 19/01/2021

Vào đầu mỗi năm học, Hội đồng Đội huyện Ea H’leo đều phát động phong trào Kế hoạch nhỏ với sự tham gia của 48 liên đội trường tiểu học và THCS trên địa bàn. Theo đó, các liên đội vận động học sinh thu gom giấy vụn, chai nhựa, vỏ lon… trong sân trường và trong sinh hoạt hằng ngày nộp cho liên đội nhằm gây quỹ.

Liên đội Trường THCS Ngô Quyền (thị trấn Ea Drăng) là "điểm sáng" thực hiện phong trào Kế hoạch nhỏ. Đợt phát động đầu tiên của năm học 2020 - 2021, liên đội đã thu gom được khoảng 2 tấn giấy vụn (trị giá gần 3,5 triệu đồng). Là đội viên tích cực thực hiện phong trào Kế hoạch nhỏ, học kỳ 1 vừa qua, em Bùi Duy Thái (lớp 7A2) đóng góp được 50 kg giấy vụn. "Em cẩn thận cất từng tờ báo cũ, thùng carton không sử dụng trong gia đình và sau giờ tan học em dành thời gian thu nhặt những mảnh giấy vụn còn vương vãi ở sân trường hoặc trong lớp học mang về nhà để dành nộp Kế hoạch nhỏ", em Thái bày tỏ.

Học sinh Trường THCS Ngô Quyền (thị trấn Ea Drăng) thu gom giấy vụn.
Học sinh Trường THCS Ngô Quyền (thị trấn Ea Drăng) thu gom giấy vụn.
Từ năm 2015 đến nay, từ nguồn quỹ thu được của phong trào Kế hoạch nhỏ, Hội đồng Đội huyện Ea H'leo đã xây dựng 2 ngôi nhà Khăn quàng đỏ, tổng trị giá 100 triệu đồng; bàn giao 3 khu vui chơi cho thiếu nhi vùng khó khăn, trị giá 175 triệu đồng.

Ngoài thu gom giấy, phế liệu, Liên đội Trường THCS Ngô Quyền còn triển khai phong trào “Vòng tay bè bạn” dưới nhiều hình thức như: vận động ủng hộ quần áo, sách giáo khoa, đồ dùng học tập còn sử dụng được để tặng học sinh vùng khó khăn. 5 năm học qua, liên đội nhà trường đã quyên góp được 1.500 bộ quần áo; 800 bộ sách giáo khoa; trên 200 mũ, cặp sách, dụng cụ học tập…  tương đương hơn 1,2 tấn hàng tặng thiếu niên, nhi đồng có hoàn cảnh khó khăn tại các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn huyện.

Tại Trường THCS Y Jút (xã Dliê Yang), phong trào Kế hoạch nhỏ cũng diễn ra sôi nổi. Mặc dù đây là hoạt động tự nguyện nhưng chỉ sau một tuần phát động (trong tháng 12-2020), liên đội đã thu được gần 1,2 tấn giấy, báo cũ và 38 kg vỏ lon. Từ nguồn quỹ phong trào Kế hoạch nhỏ, liên đội đã trích 35% nguồn thu nộp lên Hội đồng Đội tỉnh, huyện và giữ 65% còn lại làm kinh phí để thực hiện các phong trào, hoạt động như: tặng nhu yếu phẩm, sách vở, xe đạp cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; mua sắm đồ dùng sinh hoạt Đội... Qua phong trào, học sinh đã hiểu được giá trị của tình tương thân tương ái, rèn luyện tính tiết kiệm trong cuộc sống hằng ngày và góp phần giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp.

 

Trường THCS Y Jút tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn từ nguồn quỹ phong trào Kế hoạch nhỏ. 
Trường THCS Y Jút tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn từ nguồn quỹ phong trào Kế hoạch nhỏ.

Từ nguồn quỹ của phong trào Kế hoạch nhỏ, nhiều ngôi nhà, khu vui chơi cho trẻ em, công trình măng non đã được xây dựng, mang lại hiệu quả thiết thực. Đơn cử như ở buôn Riêng B (xã Ea Nam) là địa bàn còn nhiều khó khăn, đa phần trẻ em không có nhiều cơ hội lựa chọn không gian vui chơi. Tháng 3-2020, Hội đồng Đội huyện đã xây dựng khu vui chơi tại sân nhà cộng đồng buôn với nhiều trò chơi vận động như: cầu trượt, xích đu, bập bênh, thú nhún, đu quay vòng tròn... trị giá 45 triệu đồng được trích từ nguồn quỹ phong trào Kế hoạch nhỏ. Em H’Lym Niê ở buôn Riêng B (xã Ea Nam) nói: “Trước đây, em và các bạn trong buôn thường rủ nhau chơi nhảy dây, thả diều... Từ khi có khu vui chơi, chiều nào chúng em cũng tề tựu tại đây vui đùa thỏa thích”.

Theo anh Bùi Ngọc Hoàng, Bí thư Huyện Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội huyện Ea H’leo, thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”, phong trào Kế hoạch nhỏ đã tạo được dấu ấn trong lòng các thế hệ thiếu nhi. Ý nghĩa giáo dục sâu sắc trong suốt quá trình thực hiện phong trào đã lan tỏa, đem lại hiệu ứng xã hội tích cực. Hội đồng Đội huyện đang tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức triển khai phong trào để phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay.

Như Quỳnh

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.