Công viên chủ đề - Rường mối văn hóa của một khu đô thị mới
Định dạng cây xanh luôn là yêu cầu trọng yếu đối với các khu đô thị, khu dân cư mới. Đối với Tây Nguyên, yêu cầu này càng đặc biệt được coi trọng, khi các nhà quản lý muốn hoạch định đô thị hóa tại các địa phương.
Đây là lý do để TP. Buôn Ma Thuột trong chiến lược phát triển mới các đô thị luôn đề ra yêu cầu ưu tiên diện tích đất công viên cây xanh tại các dự án đầu tư hạ tầng, hình thành các khu dân sinh hiện đại hơn.
Theo định hướng quy hoạch TP. Buôn Ma Thuột đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030, địa phương đặt tiêu chí mật độ cây xanh tại các khu đô thị phải đạt từ 12 – 15 m2/người, và diện tích cây xanh trong đô thị phải mở rộng từ 0,7% (năm 2006) lên đến 4,2%.
Ưu tiên đô thị công viên
Trong rất nhiều hội nghị, hội thảo, triển lãm phát triển quy hoạch đô thị tại Buôn Ma Thuột nói riêng, Đắk Lắk nói chung, chính quyền luôn có một khẳng định rất vững vàng: Phải bảo toàn, bảo vệ cho được màu xanh tự nhiên của rừng Tây Nguyên. Dù các khu dân cư, đô thị mới sẽ được chú ý phát triển tại Buôn Ma Thuột, bắt kịp đúng xu hướng đô thị hóa, mở rộng không gian sống hiện đại, đủ tiêu chuẩn cho người dân thành phố, đạt tiêu chuẩn một thành phố cửa ngõ Tây Nguyên, trung tâm kinh tế toàn vùng, thì cây xanh vẫn sẽ luôn là lựa chọn đầu tư, quản lý của địa phương.
Quy hoạch của thành phố thể hiện trục đông tây đã được phát triển lâu nay sẽ được bảo toàn, chỉnh trang xen kẽ các công trình cũ và mới. Hướng phát triển mới của Buôn Ma Thuột sẽ là nới rộng vành đai đô thị theo trục đông bắc, dựa vào trục Quốc lộ 26, 27 và đường Hồ Chí Minh, kết nối với xa lộ Đông Tây. Không gian đô thị Buôn Ma Thuột vì vậy được phát triển theo xu hướng đa cực, lấy khu đô thị hiện hữu làm đô thị trung tâm và đầu tư mở rộng thêm các đô thị vệ tinh theo hai hướng đông bắc và tây nam. Dự kiến có 4 khu, cụm đô thị mới sẽ được đầu tư qua bức tranh quy hoạch này.
Diện tích cây xanh được ưu tiên trong thiết kế quy hoạch các đô thị mới ở Buôn Ma Thuột. Ảnh: Đ.Sơn |
Tại cả 4 khu, cụm đô thị mới, Buôn Ma Thuột đặt yêu cầu chú trọng các dự án ưu tiên giữ diện tích đất tự nhiên, đất cây xanh, kết hợp đất thể dục thể thao, với tỷ lệ đến 60% đất quy hoạch đầu tư. Trong đó, cơ cấu bố trí đất sử dụng cũng được nêu rõ, đất công viên dành cho trồng cây xanh, vỉa hè giao thông nội bộ được trồng cây xanh phải là lựa chọn đầu tư của các dự án.
Những dự án khu đô thị mới như khu đô thị Ân Phú (đường Hà Huy Tập, Tân An), Ecocity Premia (km7 Tân An), The Sun Ban Mê (km7 Tân An), Thành phố Café (Tân Lợi)… thể hiện rõ yêu cầu quy hoạch các khu dân cư mới, khu nhà ở thương mại du lịch gắn liền các công viên cây xanh, khu vực đất thể dục thể thao…
Công viên chủ đề - Sức sống văn hóa
Ông Huỳnh Quang Trí, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển đô thị Ân Phú, chủ đầu tư Dự án Khu đô thị Ân Phú chia sẻ: “Khu đô thị này đã được chính quyền tỉnh Đắk Lắk chấp thuận chủ trương đầu tư với vị trí đặc biệt trong bản đồ quy hoạch phát triển đô thị phía bắc Buôn Ma Thuột. Nói chính xác, khu đô thị này là khu dân cư phục vụ trung tâm hành chính của Buôn Ma Thuột tương lai, khi huyện Cư M’gar sáp nhập thành bộ phận đô thị mới. Các hạng mục đô thị như bến xe, bệnh viện, chợ… trung tâm bộ máy hành chính địa phương đã được quy hoạch quanh dự án này, cùng với mạng lưới các trục giao thông tương lai như đoạn Quốc lộ 26 đi Nha Trang, Quốc lộ 27 đi Đà Lạt… đã được chủ trương đầu tư.
Mô hình biểu tượng Lửa thiêng tại công viên chủ đề ở Khu đô thị Ân Phú. Ảnh: Đ.Sơn |
Bởi thế, theo ông Trí, chủ đầu tư dự án đã xác định khu đô thị Ân Phú phải là một thành tố đô thị mới của Buôn Ma Thuột, thể hiện đúng tinh thần vừa phát triển vừa bảo tồn không gian văn hóa truyền thống Tây Nguyên. Ở dự án này, chủ đầu tư đã thiết kế 3 công viên cây xanh lớn có diện tích hơn 2,6 ha trong tổng số diện tích hơn 19 ha, phối hợp các mảng xanh vỉa hè, khu nhà ở… bảo đảm đạt 60% diện tích đất tự nhiên. 3 công viên này đều có chủ đề là Lửa thiêng, Cồng chiêng và Bốn mùa, thể hiện các góc nhìn về văn hóa Tây Nguyên đặc sắc, mảnh đất của văn hóa cồng chiêng, văn hóa các dân tộc đa dạng và văn hóa của nền tảng thiên nhiên rừng núi đa dạng sinh học.
Ở công viên trung tâm Lửa thiêng còn được đề xuất thiết kế, dựng riêng biểu tượng văn hóa bằng thép cao 17 m, hình ngọn lửa, mô phỏng 2 bàn tay chụm lại với nhau. Ông Huỳnh Quang Trí giải thích: “Chúng tôi chọn chủ đề này để tôn vinh một Tây Nguyên mạnh mẽ hùng cường, với ngọn lửa thiêng bất diệt đã bao đời, và những bàn tay đoàn kết của các dân tộc anh em, cùng chung sức xây dựng, vun đắp cuộc sống”.
Hoàng Sơn
Ý kiến bạn đọc