Multimedia Đọc Báo in

Những bài học hay từ sân khấu hóa tuyên truyền cải cách hành chính

08:52, 19/01/2021

Với hình thức sinh động, Hội thi sân khấu hóa tuyên truyền cải cách hành chính (CCHC) tỉnh Đắk Lắk năm 2020 do Sở Nội vụ phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa tổ chức đã chuyển tải nhiều vấn đề thiết thực, có tác dụng tuyên truyền sâu rộng.

25 đội thi đến từ các sở, ngành và các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã thể hiện tiểu phẩm với chủ đề tuyên truyền về các nội dung CCHC đang được triển khai thực hiện. Ông Hoàng Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Phó Trưởng Ban tổ chức Hội thi cho biết: Hội thi nhằm giúp công tác CCHC trên địa bàn tỉnh ngày càng tốt hơn, góp phần vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của địa phương.

Tiểu phẩm
Tiểu phẩm "Mô hình ba hơn" của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đoạt giải Nhất hội thi.

Thay vì hình thức tuyên truyền kiến thức qua các phương thức truyền thống như trả lời câu hỏi, thuyết trình…, Hội thi năm nay thông qua phương thức sân khấu hóa với những tiểu phẩm phản ánh đa dạng, sinh động công tác cải cách thủ tục hành chính ở nhiều lĩnh vực, địa phương, đơn vị, từ thái độ làm việc của đội ngũ cán bộ, văn hóa công sở đến cải thiện môi trường đầu tư…

Hội thi là dịp để cán bộ, công chức, viên chức được giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về kỹ năng, nghiệp vụ tuyên truyền; tạo phong trào tuyên truyền sâu rộng, thường xuyên về các nội dung CCHC, nhất là những nội dung liên quan đến người dân, tổ chức, doanh nghiệp.

Ông Lê Quang Minh (huyện Ea Kar), một khán giả theo dõi hội thi chia sẻ: “Nhiều đội tham gia có tiểu phẩm khá hay, không chỉ dừng lại ở việc truyền tải nội dung, mỗi tiểu phẩm còn gợi lên nhiều sắc thái và cung bậc cảm xúc. Đơn cử như tiểu phẩm “Từ sự tắc trách” của đội huyện M’Drắk đã vẽ lên bức tranh nhiều mặt về cuộc sống. Đó là đời sống của người dân vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, là tình yêu thương của người làm bố, làm mẹ khi tặng mảnh đất cho con để có điều kiện phát triển kinh tế; khéo léo lồng ghép trong đó là câu chuyện về những thủ tục hành chính, trách nhiệm của công chức nơi công sở. Tiểu phẩm cũng thẳng thắn nhìn nhận một thực tế là trong môi trường làm việc nơi công sở vẫn còn những khoảng trống đáng báo động, để xảy ra tình trạng tụ tập đàn đúm, buông lỏng trách nhiệm, làm việc cầm chừng… gây ảnh hưởng đến công việc chung, đến khi người dân bức xúc phản ứng mới "giật mình" và hối hận”.

Tiểu phẩm “Cải cách hành chính trong thời kỳ Covid-19” của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội biểu dương những người làm công tác hành chính đã biết hỗ trợ, giúp đỡ người dân sử dụng dịch vụ trực tuyến để đỡ tốn thời gian, công sức, nhất là tránh tiếp xúc gần nhằm hạn chế lây nhiễm Covid-19; đồng thời chỉ ra những bất cập, như đối tượng là người già, không rành về công nghệ thông tin thì việc sử dụng dịch vụ trực tuyến là không phù hợp. Qua đó, muốn gửi gắm ý tưởng: cải cách hành chính là xu thế tất yếu, mang lại nhiều lợi ích, nhưng không nên áp dụng một cách rập khuôn cứng nhắc mà phải có sự linh hoạt, khéo léo phù hợp với mỗi đối tượng, hoàn cảnh.

Tiểu phẩm
Tiểu phẩm "Từ sự tắc trách" của huyện M'Drắk lồng ghép những câu chuyện của cuộc sống.

Còn nhiều những câu chuyện về thủ tục xin con nuôi, tình trạng cán bộ công chức móc nối với “cò” làm “sổ đỏ” quyền sử dụng đất… và những bất cập, hạn chế trong thực hiện công tác CCHC được thể hiện sinh động qua các tiểu phẩm. Đặc biệt, qua đó còn nhắn nhủ chính người dân, người trực tiếp sử dụng các thủ tục hành chính cũng cần phải nhìn lại bản thân, biết ứng xử phù hợp nơi công cộng. Cụ thể, khi đến cơ quan, công sở, nơi công cộng cần lịch sự, văn minh từ cách ăn mặc đến lối ứng xử; không uống rượu bia, nói năng lớn tiếng… Thậm chí, trước khi đi xử lý công việc gì cũng cần dành thời gian tìm hiểu trước lĩnh vực đó để tạo điều kiện thuận lợi cho cả đôi bên. Những câu chuyện sinh động như vậy có ý nghĩa thiết thực với cả thí sinh cũng như khán giả. Anh Quốc An (đội thi huyện Buôn Đôn) cho hay: “Đến với hội thi này, tôi học được nhiều kinh nghiệm thực tiễn để áp dụng vào công việc của mình”.

Mai Sao

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.