Multimedia Đọc Báo in

Nhọc nhằn nghề mua phế liệu

08:43, 15/04/2021

Ở huyện Krông Bông hiện nay có gần 10 đại lý thu mua phế liệu với hàng chục người làm nghề thu mua phế liệu dạo ở các địa phương trong huyện, nhiều nhất là ở các xã Khuê Ngọc Điền, Hòa Lễ và thị trấn Krông Kmar.

Công việc thu mua phế liệu khá vất vả, thu nhập cũng bấp bênh nhưng nhiều người vẫn cố gắng "bám trụ" vì hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn như thiếu vốn, thiếu đất sản xuất, không có điều kiện chuyển công việc khác. Chị Nguyễn Thị Anh (ở thôn 6, xã Hòa Sơn) kể: Hằng ngày từ sáng sớm chị chạy xe máy qua đò sang tận xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắc) để thu mua phế liệu. Nếu hôm nào mua được đầy xe thì rất vui, cảm giác bớt mệt.

Chị Anh (ở thôn 6, xã Hòa Sơn) hằng ngày sang tận xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắc) để thu mua phế liệu.
Chị Anh (ở thôn 6, xã Hòa Sơn) hằng ngày sang tận xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắc) để thu mua phế liệu.

Năm nay gần 50 tuổi, bà Nguyễn Thị Ngân (ở thôn 3, xã Hòa Phong) đã theo nghề mua phế liệu được 14 năm. Công việc của bà bắt đầu từ 7 giờ sáng, kết thúc vào 5 giờ chiều và không có thời gian nghỉ trưa. Việc thu mua cũng được phân chia theo địa bàn phụ thuộc sự quen biết. Bà Ngân chia sẻ: "Thu nhập từ công việc này tuy không nhiều nhưng chịu khó thì cũng đủ trang trải. Tôi nuôi bốn đứa con ăn học cũng nhờ thu nhập từ nghề này. Hiện nay hai đứa lớn đã có việc làm, hai đứa nhỏ vẫn còn đang học".

Bà Đức (ở thôn 4, xã Khuê Ngọc Điền) năm nay gần 60 tuổi, làm công việc thu mua phế liệu từ khi còn trẻ. Công việc vất vả nhưng cũng đủ giúp bà nuôi các con ăn học. Hiện cô con gái út đang học đại học ở Đà Nẵng nên bà Đức vẫn phải cố gắng theo nghề để hằng tháng dành dụm gửi tiền cho con ăn học. Ngày nào bà cũng dậy từ 5 giờ sáng lo cơm nước, dọn dẹp rồi chạy chiếc xe máy cà tàng với đoạn đường gần 40 km để đi mua phế liệu. Hôm nào mua được hàng thì 4 giờ chiều về đến nhà, có hôm mua được ít hàng, nhặt nhạnh khắp nơi về đến nhà đã hơn 6 giờ tối. Bà kể, cách đây gần một năm, khi chở phế liệu nặng gần 1 tạ từ thôn Yang Hăn (xã Cư Drăm) cách nhà 50 km, do đường khó đi nên bà bị ngã. Chân bà bị chiếc sọt chở hàng bằng sắt chọc vào. Vết thương bị nhiễm trùng, bà phải nằm điều trị ở nhà gần 6 tháng, tốn hơn 20 triệu đồng tiền thuốc.

Vợ chồng ông Hoàng, bà Liên ở thôn 2, xã Yang Mao hằng ngày đi thu mua phế liệu
Vợ chồng ông Hoàng, bà Liên ở thôn 2, xã Yang Mao hằng ngày đi thu mua phế liệu.

Thường người thu mua phế liệu chủ yếu là phụ nữ nhưng có nhiều gia đình vì hoàn cảnh khó khăn, thiếu đất sản xuất, thiếu vốn nên cả vợ chồng đều đi thu gom phế liệu. Như vợ chồng ông Sơn (ở thôn 2, xã Hòa Lễ) không có đất sản xuất nên đã làm nghề thu mua phế liệu từ chục năm nay. Ông bà có cô con gái bị bệnh tật bẩm sinh thường xuyên phải nằm bệnh viện ở TP. Hồ Chí Minh, mỗi tháng chi phí điều trị tốn hàng chục triệu đồng. Không có nguồn thu nào ngoài việc đi mua phế liệu nên ông bà phải thay phiên nhau vừa chăm sóc con, vừa bươn chải với nghề để lấy tiền trang trải cuộc sống. Vợ chồng ông Hoàn và bà Liên (ở thôn 2, xã Cư Drăm) thường cùng nhau đi mua phế liệu trên một chiếc xe máy. Bà Liên thì thu mua còn ông Hoàn thì bốc vác, chằng buộc và chở. Còn vợ chồng ông Hùng, bà Tám (ở thôn 2, xã Khuê Ngọc Điền) trước đây có nghề làm hương thủ công, thu nhập chẳng đáng là bao nhưng vẫn có đồng ra, đồng vào. Từ khi nhiều hộ cùng làm hương đầu tư mua máy móc về làm thì vợ chồng ông đành chuyển nghề do không có tiền mua máy. Ông Hùng năm nay đã 60 tuổi, lại bị tật từ nhỏ, gầy yếu, việc đi lại rất khó khăn nhưng vợ chồng ông vẫn cố theo nghề thu mua phế liệu. Ông Hùng tâm sự: “Công việc vất vả, nặng nhọc cần phải có sức khỏe và cả sự kiên trì, tỉ mỉ. Nhiều hôm xe cộ trục trặc về đến nhà đã 7 - 8 giờ tối, có hôm mưa ướt sũng, xe nặng khiến người mệt mỏi đến nỗi sáng dậy không nổi. Làm nghề này buổi sáng phải ăn thật no, trưa thì tô bún hay ổ bánh mì để tranh thủ thời gian đi mua. Nhiều hôm đói lả người. Thu nhập thì vô chừng, có ngày mua được nhiều thì lãi được vài trăm nghìn đồng nhưng có ngày chỉ được dăm bảy chục nghìn đồng, thậm chí không đủ tiền xăng”.

Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.