Multimedia Đọc Báo in

Thoát nghèo nhờ được bộ đội hỗ trợ vật nuôi

08:43, 15/04/2021

Thực hiện chủ trương của Bộ Tư lệnh Quân khu 5 về việc “Xóa hộ đói, giảm hộ nghèo” trên địa bàn đứng chân, những năm qua Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện Cư M’gar đã có nhiều cách làm hay, mô hình hiệu quả giúp dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Nổi bật là chương trình “Hỗ trợ vật nuôi luân chuyển”.

Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 15 hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được hỗ trợ con giống để phát triển chăn nuôi, với 10 con bò và 21 con dê giống, trong đó ưu tiên cho những hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ đơn thân. Riêng trong năm 2020, có 3 hộ được hỗ trợ với 6 con dê. Kinh phí mua con giống được huy động từ đóng góp của các cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị và các cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn…

Số vật nuôi này không được hỗ trợ luôn mà sẽ được thu hồi để luân chuyển cho các hộ khác nuôi, cụ thể là 2 năm đối với dê và 3 năm đối với bò. Nhằm giúp các hộ được hỗ trợ chăn nuôi hiệu quả, Ban CHQS huyện Cư M’gar và Hội LHPN huyện thường xuyên cử cán bộ, chiến sĩ trực tiếp về địa bàn vận động bà con xóa bỏ cách chăn nuôi lạc hậu; hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi bò, dê, cách làm chuồng trại đảm bảo quy cách, cũng như phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi; đồng thời kiểm tra quá trình phát triển của đàn vật nuôi…

Cán bộ Ban CHQS huyện Cư M’gar đến thăm một hộ dân được hỗ trợ từ Chương trình “Hỗ trợ vật nuôi luân chuyển”.
Cán bộ Ban CHQS huyện Cư M’gar đến thăm một hộ dân được hỗ trợ từ Chương trình “Hỗ trợ vật nuôi luân chuyển”.

Trung tá Bùi Hữu Gia, Chính trị viên phó kiêm Chủ nhiệm chính trị Ban CHQS huyện Cư M’gar cho biết: “Qua hơn 5 năm thực hiện chương trình “Hỗ trợ vật nuôi luân chuyển”, nhìn chung đàn bò, dê được hỗ trợ phát triển khá tốt, nhiều hộ đã nhân đàn dê lên đến cả chục con. Đến nay, 15/15 hộ được hỗ trợ đều đã vươn lên thoát nghèo bền vững, ổn định cuộc sống, đặc biệt nhiều hộ dù chưa đến hạn luân chuyển đã xin trả lại con giống để các hộ khác có điều kiện phát triển kinh tế”.

Chương trình “Hỗ trợ vật nuôi luân chuyển” được Ban CHQS huyện Cư M’gar phối hợp với Hội LHPN huyện thực hiện từ năm 2016 nhằm giúp các hộ nghèo có con giống chăn nuôi, từng bước vươn lên trong cuộc sống.

Điển hình như gia đình chị H’Doen Êban ở buôn Pôk B (thị trấn Ea Pốk) đã cải thiện cuộc sống rõ rệt từ khi được hỗ trợ dê giống để nuôi. Trước đây, cuộc sống của gia đình chị H’Doen rất khó khăn do đông con, không có đất sản xuất, công việc của hai vợ chồng không ổn định. Năm 2018, chị được hỗ trợ một cặp dê giống để chăn nuôi và thường xuyên được các cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Cư M’gar cùng Hội LHPN huyện đến thăm hỏi, động viên, hướng dẫn cách chăm sóc đàn dê cho mau lớn. Nhờ vậy, năm 2019 gia đình chị đã thoát được nghèo, có cuộc sống ổn định… Chị H’Doen chia sẻ: “Mỗi ngày, nhìn đàn dê phát triển mình vui lắm. Nuôi dê không khó và không mất nhiều thời gian, chủ yếu là lấy công làm lãi. Mình sẽ tiếp tục chăm sóc đàn dê cho thật tốt để kinh tế gia đình vững chắc hơn”.

Cũng nhờ sự hỗ trợ từ chương trình “Hỗ trợ vật nuôi luân chuyển”, gia đình chị H’Mưa Niê (cùng buôn Pôk B) giờ đây đã có cuộc sống khấm khá hơn. Từ một cặp dê giống được hỗ trợ ban đầu, đến nay, sau khi hoàn trả dê cho chương trình và bán một ít để trang trải chi phí, gia đình chị vẫn còn đàn dê gần 10 con… Chị H’Mưa Niê bày tỏ: “Gia đình mình có 2 sào cà phê nhưng già cỗi, mỗi năm chỉ thu được 1,5 tạ nhân, công việc làm thuê lại bấp bênh nên cuộc sống rất khó khăn… Từ khi được bộ đội hỗ trợ nuôi dê, cuộc sống gia đình đã cải thiện hơn rất nhiều. Hiện nhà mình có 4 con dê cái mỗi năm đẻ 2 lứa, mỗi lứa 1 - 2 con. Nuôi 6 tháng là dê có thể xuất chuồng, trọng lượng đạt 25 kg, với giá 100.000 - 120.000 đồng/kg, con đực đem bán, con cái để lại nuôi, sau khi trừ hết chi phí thì gia đình cũng có nguồn thu nhập đáng kể”.

Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.